Ngành ô tô: Cần “sẵn sàng” cho tương lai khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan Công nghiệp hỗ trợ ô tô: 'Cửa sáng' nhưng có dễ đi? Phát triển xe xanh - Đường lớn đã mở? |
Cần nhiều nguồn lực
Ngành ô tô Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong việc chuyển đổi sang công nghệ xanh. Để “xanh hóa” hiệu quả, theo giới chuyên gia, cần đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ sở hạ tầng mới, cùng với sự hỗ trợ quyết liệt từ các cơ quan nhà nước.
Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/8, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, ngành ô tô xanh đang có cơ hội phát triển, nhưng vấn đề đặt ra là xây dựng chính sách phải rõ ràng, thống nhất. Đó là các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cần cụ thể, mang tính dài hạn, ổn định. Cần có tính bền vững giữa đầu tư sản xuất xe ô tô điện và trạm sạc, đưa ra tỉ lệ nội địa hóa và lộ trình thực hiện; thúc đẩy tiêu dùng gắn với giảm thuế, ưu đãi cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng tùy vào mục đích thiết kế của chính sách và định hướng phát triển ngành ô tô.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế - đánh giá, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện, đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.
Vị chuyên gia nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc phát triển ô tô điện là nguồn vốn. “Đầu tư vào sản xuất ô tô điện đòi hỏi hàng tỷ USD với lãi suất vay thấp và kỳ hạn vay dài. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam” - TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra.
Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” |
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), để phổ cập xe điện ở Việt Nam thì giá xe là bài toán các nhà sản xuất cần tính tới. Theo đó, giá xe điện vẫn ở ngưỡng cao so với xe xăng, dầu. Dữ liệu thống kê của của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2020 cũng cho thấy, giá xe điện (chỉ tính chi phí sản xuất thuần) cao hơn khoảng 45% so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Cùng với công nghệ sản xuất pin ngày càng tốt và rẻ hơn thì tới năm 2030, giá xe điện có giảm song vẫn cao hơn 9 - 10% xe chạy xăng, dầu.
Trong khi đó, xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường (35 - 50%). Tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đang đề xuất giảm 5 - 12 điểm phần trăm thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện chạy pin trong 5 năm đầu, từ năm thứ 6 trở đi sẽ tăng thuế suất với cả xe nhập khẩu, sản xuất trong nước. Nhưng khi giá của xe điện vẫn cao hơn so với dòng xe tương tự chạy xăng, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là chưa đủ để đưa giá loại xe này về ngưỡng dễ thu hút người tiêu dùng.
Do đó, sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ cho phát triển xe điện là rất cần thiết. Trong 10 năm đầu Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí để kích cầu và có chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc nhanh, trạm sạc tại nhà... Các ưu đãi này sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo khi xe điện đã có thị phần nhất định trên thị trường. Từ sau năm 2050, xe điện sẽ không cần các chính sách hỗ trợ riêng.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, trên thế giới, các nước có lộ trình, chính sách phát triển xe điện rất bài bản và luôn cập nhật chính sách với thực tế phát triển. Như các chính sách khuyến khích nhà sản xuất, hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nếu họ mua xe lần đầu... Do đó, Nhà nước cần chủ động trong việc xây dựng, thực thi các chính sách, có biện pháp hỗ trợ người dân mua xe điện lần đầu, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện…
Ngoài ra, để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin, cũng như tối ưu hoá các trạm sạc, vị trí sạc pin bằng việc sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo.
Để “xanh hóa” hiệu quả ngành ô tô, theo giới chuyên gia, cần đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ sở hạ tầng mới, cùng với sự hỗ trợ quyết liệt từ các cơ quan nhà nước |
Chung một đích đến cho mục tiêu “xanh hóa” ngành ô tô
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải là một vấn đề ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bởi tính đời sống xã hội của vấn đề giao thông liên quan tới tất cả các Bộ ngành. Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải là một trong những chính sách xương sống để triển khai, hướng tới phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực giao thông, để các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Theo số liệu, năm 2019, cả năm Việt Nam nhập khẩu chỉ có 8 ô tô điện. Nhưng chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đã lên tới 37.000 xe. Nâng tổng số xe điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu trong nước lên khoảng 68.000 xe.
“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đánh giá và nhận thấy Việt Nam là một trong những nước có chính sách ưu tiên phát triển phương tiện giao thông xanh cũng cao so với các nước trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước có cam kết hướng tới giao thông xanh. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cần có sự phối hợp giữa hai phía, từ cả doanh nghiệp, người dân lẫn chính sách. Bộ Giao thông vận tải cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành để nghiên cứu đề xuất một cách tổng thể theo các kiến nghị của doanh nghiệp để có báo cáo Thủ tướng các chính sách thời gian tới như thế nào” - ông Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ.
Về ưu đãi thuế, bà Trần Thị Bích Ngọc, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính nhìn nhận, ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện là một trong những chiến lược được Chính phủ dành nhiều chính sách quan tâm kéo dài đến hết năm 2027, sau đó sẽ được đánh giá lại và điều chỉnh phù hợp.
Theo đó, về thuế tiêu thụ đặc biệt, mức dành cho ô tô điện thấp hơn nhiều so với xe xăng, chỉ từ 1 - 3% tùy theo số ghế ngồi, kéo dài đến năm 2027. Trong khi các xe xăng, dầu khác là trên 130 - 150%. Quy định miễn lệ thuế trước bạ trong 3 năm đầu với ô tô điện, nhưng các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là 10 - 12%.
“Ngoài ra, với các nhà đầu tư xe điện, Chính phủ cũng đang dành mức ưu đãi cao nhất với thuế đất và các thuế, phí liên quan. Gần như tất cả các sắc thuế đều đang được áp dụng ở mức cao nhất” - bà Trần Thị Bích Ngọc nói.
Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm phát thải carbon thấp Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài Nguyên Môi trường - cho biết, Bộ sẽ có các hợp tác quốc tế để tận dụng tối đa, huy động nguồn lực trong phát triển khoa học công nghệ và có phân bổ phù hợp. Thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ tìm kiếm nguồn lực tài chính, con người, khoa học công nghệ để thông qua nhiều hướng đi nhưng chung một đích đến cho mục tiêu xanh hóa ngành ô tô.