Điểm danh những Bộ, cơ quan chưa phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Ách tắc ở khâu nào? Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công |
Đáng ngại với kết quả giải ngân vốn đầu tư công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đạt 22,37% kế hoạch giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ 2021 đạt 22,12% kế hoạch). Trong đó, có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dưới 20%.
Giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng đến triển khai dự án đầu tư công |
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế với chủ đề: “Giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp mới cho vấn đề cũ” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng: So với cùng kỳ năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công năm nay có tăng nhẹ. Tuy nhiên, số lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 rất lớn, nên so với kế hoạch thì kết quả giải ngân 5 tháng là một điều đáng ngại.
“Trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi mà chúng ta mới giải ngân được chưa đến 30%. Đáng ngại là có những đơn vị chưa giải ngân được một đồng nào” – ông Nguyễn Đức Kiên thông tin.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 chúng ta thấy lo ngại 2 điều. Thứ nhất, giải ngân có tiến bộ hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng kém so với kế hoạch đề ra;
Thứ hai, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và 2023 lớn hơn nhiều so với trước đó, do chúng ta đặt nó trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô vốn đầu tư công lớn.
“Do đó, chậm tiến độ không chỉ tác động như mấy năm trước mà sẽ dẫn đến việc chúng ta thực hiện không tốt Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội” – chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.
Đặc biệt theo các chuyên gia kinh tế, Quốc hội, Chính phủ khi tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là dựa trên vốn đầu tư công. Coi nguồn đó là nguồn “vốn mồi”, là “cú hích” để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác tham gia vào quá trình đầu tư, thì mới kỳ vọng được tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022.
Nhưng nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay, cộng thêm tình hình kinh tế thế giới biến động trong 3 tháng gần đây thì nếu không sử dụng tốt nguồn nội lực trong nước, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022, đồng thời làm giảm khả năng thu hút vốn của các thành phần kinh tế khác có thể chảy vào nền kinh tế.
Giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22,7% kế hoạch giao |
Đã đến lúc, phải nhìn lại bộ máy vận hành dự án đầu tư công
Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 chậm, mặc dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên tục chỉ đạo, đốc thúc, các chuyên gia kinh tế cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, vấn đề tăng giá nguyên vật liệu khi nửa năm qua đã ảnh hưởng rất lớn, giá vật liệu xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới, điều đó hưởng đến công tác mua sắm nguyên, vật liệu của nhà thầu để phục vụ cho thực hiện dự án.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Kiên: “Với tốc độ tăng giá như 3 tháng vừa qua thì giá dự toán công trình vượt quá 10% giá dự phòng trong dự toán, như vậy theo luật hiện hành thì chúng ta phải tiến hành thương thuyết lại với các nhà thầu ký hợp đồng xây dựng. Vấn đề này thì không khó, nhưng khó là tìm được người giải quyết vấn đề trên”.
Chưa hết, liên quan đến tính bù giá cho nhà đầu tư dự án đầu tư công cũng phải trải qua một quy trình vô cùng phức tạp, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Trong hợp đồng, điều chỉnh giá là trách nhiệm của chủ đầu tư, chúng ta phải ngồi với nhà thầu để tính bù giá.
Nhưng chúng ta lại quy định, tính giá là do Sở Tài chính trực thuộc tỉnh, thành phố trung ương quy định, giá ấy bao giờ cũng thấp hơn giá thực tế, như thế giữa nhà thầu thực mua với giá công bố nó đã có độ "vênh" nhất định, lại cộng thêm tăng giá đột biến do các điều kiện bên ngoài, thì nhà thầu sẽ không chịu và sẽ dừng thi công, bởi theo luật người ta có quyền dừng.
Đặc biệt, các dự án đầu tư công muốn điều chỉnh được giá thì phải theo quy trình từ Ban quản lý dự án trình lên Bộ chủ quản, sau đó xin ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. 3 bộ này trả lời đồng ý hay không đồng ý thì mới giao cho Ban quản lý, nên mất rất nhiều thời gian.
Cũng liên quan đến vấn đề giá nguyên vật liệu tăng, ông Vũ Đình Ánh cho rằng: Với việc giá vật liệu tăng, các dự án đầu tư công vượt 10% dự toán thì phải điều chỉnh theo quy trình.
Nhưng nếu chúng ta vẫn áp dụng cách làm cũ, “trình lên rồi lại trình xuống, xin ý kiến thì giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm. Cho nên, đến khi nào mà chúng ta không khắc phục được tâm lý, thay đổi cách nghĩ, cách làm thì vấn đề giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được chúng ta bàn tiếp, bàn mà không đi vào thực tế” – ông Vũ Đình Ánh khẳng định.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ khu vực ngoài nhà nước. Bởi khi thực hiện dự án, họ cũng đối mặt với những vấn đề khó khăn tương tự như khi triển khai dự án đầu tư công, như liên quan đến việc thắt chặt nguồn vốn cho các dự án, nhưng họ vẫn vượt qua nó một cách ngoạn mục và triển khai tốt.
“Trong khi đó, các dự án đầu tư công thừa vốn lại không triển khai được. Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn lại bộ máy vận hành dự án đầu tư công, thay vì chỉ bàn về chính sách, giải pháp thúc đẩy giải ngân” – ông Vũ Đình Ánh đề xuất.