Ngày 11/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo về các chính sách và giải pháp giảm thiểu chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội thảo, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng suốt hàng chục năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh và liên tục đã khiến lượng chất thải gia tăng nhanh chóng về cả khối lượng lẫn tính phức tạp, tạo sức ép lớn tới môi trường và xã hội.
Ước tính, mỗi ngày Việt Nam phát sinh hơn 64 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt và con số này không ngừng tăng qua các năm. Để xử lý lượng rác thải này, cả nước đã có hơn 1,3 nghìn cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm các lò đốt rác, dây chuyền chế biến phân compost và bãi chôn lấp.
Ông Trần Việt Anh chỉ ra một thực trạng đáng buồn khi theo một thống kê gần đây, khoảng 85% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này vừa khiến rác thải có nguy cơ tiếp tục gây ra ô nhiễm hệ sinh thái đất, nước và không khí, vừa phí phạm một lượng lớn tài nguyên, bởi rất nhiều rác thải có thể được xử lý thành phế liệu có giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào tái chế, tái sản xuất.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của rác thải, ngành công nghiệp tái chế cũng đã xuất hiện và không ngừng mở rộng quy mô. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đa phần nhỏ lẻ, tự phát, ít có sự phát triển về quy trình và công nghệ, lại gặp thách thức lớn đến từ hệ thống thu gom, phân loại và xử lý chất thải còn nhiều vướng mắc.
Ông Đặng Hữu Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh nguồn xử lý chất thải ngày càng tăng và ý thức về bảo vệ môi trường ngày càng cao, các cơ hội đầu tư vào các dự án xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt tại Việt Nam đang trở nên vô cùng hấp dẫn.
Cũng theo ông Bình, hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 381 lò đốt, 37 dây chuyền sản xuất compost và 904 bãi chôn lấp. Hiện phương pháp xử lý chủ yếu là công nghệ thiêu hủy, chỉ có một số địa phương áp dụng công nghệ đốt phát điện: Hà Nội (Nhà máy điện rác Sóc Sơn), Cần Thơ (Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ)....
“Hiện nay có nhiều công nghệ tái chế chất thải như sản xuất viên đốt, sản xuất hạt nhựa, tái chế giấy nhựa kim loại..., tuy nhiên còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính phủ”, ông Đặng Hữu Bình thông tin.
Tại Quyết định số 2149/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ thu gom và xử lý 100% chất thải rắn đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định quốc gia vào năm 2050, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào việc chôn lấp chất thải rắn, chất thải hữu cơ và chất thải có thể tái chế.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Chính phủ Việt Nam đang tích cực nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn và cung cấp ưu đãi cho các dự án quản lý chất thải. Những biện pháp này có thể thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển và thực hiện các giải pháp xử lý chất thải bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy các chính sách khuyến khích hợp tác thông qua Quan hệ đối tác công tư (PPP). Cách tiếp cận này là một hướng đi đầy hứa hẹn đối với sự phát triển quản lý chất thải. PPP cho phép các nhà đầu tư hợp tác với các cơ quan chính phủ hoặc chính quyền địa phương để thiết lập các dự án cơ sở hạ tầng quản lý chất thải.