Bộ trưởng Đinh La Thăng
CôngThương - Đã có giải pháp, vấn đề là còn lại là triển khai
Mở đầu cho phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số đại biểu khác nêu câu hỏi về các giải pháp đột phá của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong việc hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời: Xử lý ùn tắc giao thông cần có các giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, tuy nhiên không thể cứ chờ đầy đủ các giải pháp thì mới thực hiện mà cần thực hiện ngay. Bộ trưởng nói: “Từ năm 2002 đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và xử lý ùn tắc giao thông”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp và toàn dân đã nỗ lực nhưng tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hiện nay vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Hàng năm, có khoảng 12 nghìn người chết vì tai nạn giao thông và số người bị thương cũng gần bằng con số đó.
Để giải quyết vấn nạn này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Trong đó chú trọng phát triển hài hòa các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt.
“Tai nạn giao thông có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng, ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu thì nguyên nhân quan trọng nhất đó là quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu… dẫn đến ý thức tham gia giao thông của người dân chưa được tốt. Chính vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước"- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân; nâng cao vai trò của bộ máy chính trị từ Trung ương đến địa phương…
Tuy nhiên, với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn còn “lòng vòng”. Đại biểu này đề nghị bộ trưởng đi thẳng vào những giải pháp mang tính đột phá và thời hạn để triển khai các giải pháp đó để Quốc hội và cử tri giám sát.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, báo cáo ở trên chính là các giải pháp đột phá, còn bây giờ đã đến lúc chúng ta phải hành động chứ không phải cứ đưa ra các giải pháp này, giải pháp kia rồi bàn là có làm hay không nên làm. “Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là tất cả chúng ta phải hành động, các ngành, các cấp, toàn dân phải hành động. Ngành giao thông vận tải phải là người đề xướng, chắp nối để các bộ, các ngành cùng toàn dân thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu ra. Tôi nghĩ như vậy”- ông Thăng nói.
Đầu tư giao thông: Sẽ xử lý kiên quyết nếu không đáp ứng
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về những giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ đầu từ các công trình giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết: “Sẽ thay thế một cách kịp thời những ban quản lý, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cũng như nhà thầu không đạt yêu cầu”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
Đây là giải pháp quan trọng bên cạnh việc lựa chọn ban quản lý, tư vấn thiết, giám sát có chất lượng, đặc biệt là việc chọn được nhà thầu đảm bảo được năng lực thi công, năng lực tài chính. Ngoài ra, ngành GTVT sẽ thực hiện việc công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông bằng sự giám sát của các cấp, các ngành và nhân dân.
Một giải pháp đáng quan tâm được người đứng đầu ngành giao thông đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng và bảo dưỡng các công trình giao thông là việc xã hội hóa đầu tư công trình giao thông, đặc biệt là công tác duy tu, bảo dưỡng.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thực hiện việc bán và khoán xã hội hóa việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ cho các địa phương, cho các tư nhân… Tôi nghĩ, chất lượng sẽ tốt hơn và tránh được thất thoát”- ông Thăng khẳng định quan điểm "một đồng bỏ ra duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa sẽ đỡ 4 - 5 đồng đầu tư mới" nên dù trước tiên phải xây dựng được những công trình mới với chất lượng tốt, nhưng không làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng thì lãng phí sẽ rất lớn.