Đồng thời, Cục ra soát lại phương án đấu nối của các dự án nhà máy điện mặt trời; tiến độ thi công đường dây 110kV, 220kV, 500kV ở khu vực này về khả năng giải tỏa công suất...
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, trong chuyến công tác kiểm tra các dự án điện mặt trời và điện gió tại Bình Thuận ngày 9/7.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng, phát biểu chị đạo tại buổi làm việc với các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại Bình Thuận |
Phát triển quá nóng dẫn đến quá tải
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trên địa bàn cả nước các nhà đầu tư đã đưa vào vận hành thương mại trên 4.600 MW điện mặt trời, trong đó 2 tỉnh Ninh Thuận tính đến 30/6/2019 đóng góp gần 1/2 công suất (Ninh Thuận hơn 1000 MW, Bình Thuận kể cả điện gió và mặt trời 930 MW). Với lượng công suất như vậy và với lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận khả năng cao là sẽ xẩy ra tình trạng quá tải.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận - cho biết, hiện Bình Thuận có 20 dự án điện gió với công suất 707,8MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; trong đó, có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất 607MW, với tổng số vốn hơn 25.750 tỷ đồng. Có 3 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW/176MW, 1 dự án đang triển khai thi công, các dự án còn lại mới được cấp chủ trương hoặc đang trong giai đoạn 2.
Các dự án điện mặt trời phát triển "quá nóng" trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng tại Bình Thuận |
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu khảo sát dự án điện gió trên biển Kê Gà với tổng công suất đề xuất 3.400MW, có tổng vốn đầu tư dự liến 11,9 tỷ USD. Như vậy, tổng công suất quy hoạch và đề xuất các dự án điện gió (trên đất liền, trên biển) vào khoảng hơn 7.100MW.
Đối với các dự án điện mặt trời, theo Giám đốc Sở Công Thương, Bình Thuận có 95 dự án, tổng công suất khoảng 4.846,84MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 143.432 tỷ đồng. Hiện có 21 dự án đã triển khai thi công, hoàn thành, đóng điện trước ngày 30/6/2019, tổng công suất 903,48MW. Ngoài ra, có 5 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai thi công, tổng công suất 168,4MW.
Đoàn Công tác Bộ Công Thương khảo sát thực tế tại Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 |
Đã được cảnh báo trước
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương, các nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió đã kiến nghị, đề xuất Bộ Công Thương có giải pháp, làm sao giải tỏa công suất phát điện nhanh nhất cho các dự án, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Về giải pháp, đại diện Nhà máy điện mặt trời Vĩnh tân 2, kiến nghị sớm triển khai nâng cấp đường dây 110kv Tuy Phong – Vĩnh Hảo – Ninh Phước, cũng như đầu tư xây dựng các lưới điện 110kV, 220kV, 500kV tại khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận để giải tỏa công suất các nhà máy trong khu vực. Đây cũng là ý kiến nghị chung của các nhà đầu tư với đoàn công tác Bộ Công Thương.
Đại diện các nhà đầu tư dự án điện mặt trời phát biểu kiến nghị tại buổi họp |
Theo lãnh đạo Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC)... và các nhà đầu tư tập trung đưa vào vận hành, phát điện thương mại các nhà máy điện mặt trời trước ngày 30/6/2019, để hưởng giá điện 9,35 cent/kWh (theo Quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019), nên dẫn đến quá tải.
Theo Sở Công Thương, việc quá tải đường dây truyền tải khi các dự án đồng loạt nối lưới đã được ngành điện cảnh báo từ 11/2018 khi các dự án điện gió, điện mặt trời cùng tập trung một số khu vực phát triển "nóng" trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng.
Nhiều giải pháp giải tỏa công suất
Để tháo gỡ khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các nhà đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp đối với việc giải tỏa công suất của các dự án điện gió và điện mặt trời; Đồng thời, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến việc tiếp tục đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đối với những đường dây, trạm biến áp 220kV và 110kV. Trong đó, phương án tốt nhất được chú trọng là phải đầu tư nhanh trạm biến áp 500kV Thuận Nam (Ninh Thuận) và xây dựng trạm 500kV tại khu vực Hồng Phong hoặc Hồng Liêm (Bình Thuận).
Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNSPC: Để đáp ứng nhu cầu kết nối, EVNSPC đang triển khai thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 16 công trình lưới điện 110kV |
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN - cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trong đó có Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khẩn trương thực hiện đầu tư các dự án lưới điện kịp thời để đấu nối giải tỏa công suất nguồn năng lượng điện mặt trời, gió tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
“Hiện tại để đáp ứng nhu cầu kết nối, cũng như đảm bảo việc truyền tải công suất phát của các dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, EVNSPC đang triển khai thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 16 công trình lưới điện 110kV với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.216 tỷ đồng” - ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNSPC khẳng định trong buổi làm việc với đoàn công tác và các nhà đầu tư.
Ghi nhận những vướng mắc tại địa phương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương cũng như ngành điện trong thời gian tới sẽ làm cố gắng hết sức để trong thời gian ngắn nhất chúng ta giải quyết tình trạng quá tải của các đường dây; giải phóng được công suất càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn nhất cho các nhà đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khảo sát Nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận |
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để giải quyết một cách bài bản, cơ bản vấn đề này, Bộ Công Thương giao cho Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) rà soát lại quy hoạch hệ thống lưới điện truyền tải ở khu vực miền Trung đặc biệt 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Bên cạnh đó, Cục điện lực và năng lượng tái tạo cũng cần ra rà soát lại tiến độ đường dây 110kV, 220kV, 500kV ở khu vực này và khả năng giải tỏa công suất như thế nào để đưa ra đề xuất, kiến nghị... Đặc biệt, Cục điện lực và năng lượng tái tạo tập trung ra soát lại phương án đấu nối của các dự án nhà máy điện mặt trời của 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Để vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị, các nhà đầu tư tuân thủ các quy định về vận hành hệ thống, trong đó các địa phương, Cục điện lực và năng lượng tái tạo, EVN có văn bản yêu cầu chấn chỉnh các nhà đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt sự điều hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia.
“Qua buổi làm việc tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách mới, trong việc kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.