Nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mở rộng kênh phân phối, phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số thông qua gian hàng Việt trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới” ngày 25/12, tại Hà Nội.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị |
Đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử
Nêu vấn đề tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay việc chuyển đổi số tại nhiều doanh nghiệp Việt còn chậm, tụt lùi so với thế giới. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng vẫn đang “loay hoay” và gặp nhiều thách thức.
Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mang đến cho người dân môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã chủ trì, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho ra mắt “Gian hàng Việt trực tuyến”. Đây sẽ là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, gian hàng này giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí hợp lí.
Gian hàng Việt trực tuyến sẽ là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. “Hiện chúng tôi mới ký liên kết với 1 số sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, thời gian tới sẽ mở rộng để các sàn thương mại lớn đều có gian hàng Việt và cũng sẽ thúc đẩy mở gian hàng Việt tại các sàn thương mại điện tử nước ngoài”, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh- Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho hay, trung tâm có thực hiện trang thông tin Nông sản an toàn Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Do đó, ý tưởng “gian hàng Việt trực tuyến” là giải pháp tốt để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến với người tiêu dùng trong nước một cách rộng rãi nhất, là ngôi nhà chung của hàng hóa Việt Nam, để người tiêu dùng có thể mua hàng một cách đơn giản và chi phí vận chuyển thấp thông qua các sàn thương mại điện tử.
Gian hàng Việt trực tuyến sẽ là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của doanh nghiệp sản xuất Việt |
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Xuân Hải- Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế VAG chia sẻ, hiện nay VAG mới phát triển sản phẩm qua các hệ thống siêu thị lớn như Lotte, Big C... Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm đi, công ty đã phải tính đến giải pháp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm kinh doanh của Công ty là khăn với thương hiệu Poêmy được rất nhiều khách hàng yêu thích, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn để làm quà tặng cho khách hàng. “Tuy nhiên, số lượng khách hàng này vẫn bị giới hạn bởi địa lý, cho đến khi tôi thử chạy trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội thì số lượng đơn hàng tăng chóng mặt. Điều đó cho thấy rằng, trong bối cảnh như hiện nay, nếu doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với cách bán hàng online, chuyển đổi số thì sẽ gặp khó khăn rất lớn" - ông Hoàng Xuân Hải nói.
Ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái
Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chương trình Gian hàng Việt hy vọng là siêu thị điện tử cho hàng Việt Nam để sản phẩm Việt phân phối đi khắp cả nước. “Nếu vẫn đơn thuần bán hàng thông qua địa lý, cửa hàng nhỏ lẻ của nhà phân phối thì câu chuyện hàng giả, hàng nhái có thể xảy ra. Nhưng nếu mua bán hàng hóa trên gian hàng Việt có phối hợp chặt chẽ sản xuất, phân phối sẽ giải quyết được câu chuyện hàng giả, hàng nhái và là khâu khép kín đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng”- ông Bùi Huy Hoàng bày tỏ.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Giám đốc Công ty CP Sendo chia sẻ, tuy có lượng truy cập lớn nhưng Sendo đang gặp khó khăn trong triển khai quy mô diện rộng, đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng do nhu cầu vượt lên trên thực tế. Bởi doanh nghiệp đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn là kênh thương mại điện tử bằng việc bán ra với sản phẩm, giá thành khiêm tốn hơn so với truyền thống.
Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có từ khóa với giá thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, Sendo kỳ vọng cần có thêm các khóa đào tạo, buổi hội thảo, hội nghị tại địa phương nhằm nâng cao phối hợp giữa sàn với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nên thiết lập gian hàng hoàn chỉnh, song hành cùng vận hành để bán sản phẩm với giá cả mang yếu tố cạnh tranh, hướng đi lâu dài và bền vững hơn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được tiếp cận thêm giải pháp cụ thể và thiết thực khác trong phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử như các giải pháp về tài chính điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp, giải pháp quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ thông qua công nghệ mã QR code (iCheck)…
Trong thời gian tới việc đẩy mạnh triển khai gian hàng Việt trực tuyến hứa hẹn sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên số, là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất Việt uy tín đa dạng hoá kênh phân phối, vươn lên mạnh mẽ trước biến động khó lường của đại dịch Covid-19.