Bước đệm cho giao nhận hàng hóa thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam |
Giao dịch liên thông với thế giới 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần, ổn định, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm vừa qua.
Sáng ngày 22/12/2022, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn, cùng đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế đã đến thăm và làm việc tại trụ sở của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Trong buổi làm việc, Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình hoạt động; tuân thủ pháp luật và các quy định về hoạt động giao dịch hàng hóa tại MXV; cơ sở vật chất cũng như hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý giao dịch, quản trị rủi ro khi thực hiện giao dịch liên thông với các Sở Giao dịch Hàng hóa thế giới. Đồng thời, lắng nghe những kết quả hoạt động của MXV nói riêng và thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung trong năm 2022; và những vướng mắc, kiến nghị của MXV trong quá trình hoạt động thực tế.
Giao dịch tăng trưởng ổn định, thông suốt và hiệu quả
Năm 2022 là một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới, nhưng với sự chỉ đạo sát sao và quản lý chặt chẽ của Bộ Công Thương, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV cho biết, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV đã tăng gần 35% so với năm 2021; giá trị giao dịch trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày giá trị giao dịch đạt kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng; số lượng tài khoản giao dịch tăng 20% lên gần 25.000 tài khoản. Sau hơn 4 năm được liên thông với thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa đã qua giai đoạn phát triển nóng và dần đi vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững. Giao dịch diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm vừa qua.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với Ban Lãnh đạo MXV |
Tính đến cuối tháng 12/2022, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Trong năm 2022, MXV đã bổ sung thêm các hợp đồng Mini và Micro để giúp giao dịch hàng hóa trở nên gần gũi hơn đối với các nhà đầu tư. Dầu thô WTI Micro là sản phẩm có khối lượng giao dịch lớn nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua. “Hiện nay, chỉ với hơn 10 triệu đồng, các nhà đầu tư đã có thể giao dịch một hợp đồng hàng hóa. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2018 – 2021, là nỗ lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm của MXV và cũng là xu thế của giao dịch hàng hóa trên thế giới hiện nay”, ông Quỳnh cho biết thêm.
MXV hiện đang quản lý 37 Thành viên thị trường, cùng các văn phòng, chi nhánh khắp cả nước. Trong năm 2022, bên cạnh chương trình Tập huấn thành viên quy mô toàn quốc được tổ chức vào tháng 07/2022, MXV cũng liên tục tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo để phổ biến các quy định mới nhất đến các Thành viên thị trường. Nhìn chung, các thành viên đều thực hiện nghiêm ngặt và tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, các quy định của MXV và các Sở Giao dịch quốc tế liên thông.
Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cũng báo cáo Đoàn công tác về nghiệp vụ giao nhận hàng hóa, điểm nhấn trong hoạt động của MXV năm vừa qua. Tàu ngô nhập khẩu đầu tiên của MXV đã cập cảng Quảng Ninh vào cuối tháng 11, đánh dấu bước tiến quan trọng của MXV trở thành Sở Giao dịch Hàng hóa đúng tiêu chuẩn quốc tế. Hoạt động giao nhận, thương mại các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cà phê, kim loại,… sẽ góp phần vào quá trình hội nhập thương mại và kinh tế của đất nước.
Kiến nghị hoàn thiện khung hành lang pháp lý
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, MXV cũng thẳng thắn trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động thực tế. Trong đó, việc hoàn thiện khung hành lang pháp lý là vấn đề cần ưu tiên thực hiện, để hoạt động giao dịch hàng hóa được vận hành ổn định và hiệu quả hơn.
Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã đạt được thành tựu trong việc kết nối liên thông giữa thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với các Sở trên thế giới, mở cánh cửa cho nhà đầu tư trong nước đến với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Với vai trò là Sở Giao dịch Hàng hóa quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV đề xuất Bộ Công Thương sớm tham mưu sửa đổi Nghị định 51/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa. “Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.
Ông Đặng Việt Hưng – Tổng Giám đốc MXV |
Ngoài ra, MXV cũng kiến nghị Bộ Công Thương xây dựng phương án hỗ trợ MXV trong các hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị với các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành nghề... Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào thông qua việc giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá cao sự phát triển của MXV
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương khẳng định, thời gian qua, thị trường giao dịch hàng hoá nói chung và hoạt động của MXV đã có những bước phát triển đáng khích lệ và là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực. Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của MXV trong việc tổ chức và phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp, bài bản như đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển thành viên, truyền thông, hợp tác quốc tế, giao nhận hàng hóa vật chất…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương ghi nhận đóng góp của MXV, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam với các đối tác quốc tế. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm và làm việc của rất nhiều các tổ chức quốc tế trong năm 2022. Đặc biệt là buổi làm việc của Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) tại trụ sở Bộ Công Thương vào tháng 8/2022, đã đưa ra những tham vấn, kinh nghiệm quý giá từ thị trường Mỹ, giúp công tác tổ chức thị trường tại Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương |
Đối với các kiến nghị của MXV, Đoàn công tác đồng tình và cho rằng việc sửa Nghị định 51/2018/NĐ-CP sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như hoạt động quản lý nhà nước. “Bộ Công Thương sẽ đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa, nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các khung khổ quốc tế mà nước ta đã tham gia, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị liên quan, kể cả thành viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Tuấn cho biết.
Bộ Công Thương cũng đề nghị MXV và các thành viên thị trường tiếp tục duy trì sự chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác tổ chức và vận hành thị trường; liên tục cập nhật, đổi mới, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để cung cấp các công cụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư hiệu quả của nhà đầu tư trong nước.