Giãn cách xã hội và quá trình chuyển đổi kinh tế số đã giúp lượng chuyển khoản tăng mạnh, trở thành phương thức thanh toán ¹phổ biến khắp nơi, nhất là tại các cửa hàng bán lẻ, quán ăn, nhà hàng…
Năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống.
Thanh toán điện tử được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực. |
Trước đó, đại diện Công ty công nghệ Sapo cho biết: Theo số liệu khảo sát từ 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của doanh nghiệp cho thấy, quá trình chuyển đổi kinh tế số và tác động của đại dịch COVID-19 đã tạo thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng.
Những năm trước, giao dịch bán lẻ tại Việt Nam phần lớn sử dụng tiền mặt, thì năm 2021 giao dịch tiền mặt trong thương mại chỉ còn chiếm gần 30%; còn lại 70% là các hình thức thanh toán điện tử. Chuyển khoản trở thành hình thức thanh toán phổ biến nhất, chiếm 36,5%, sau đó là thanh toán bằng tiền mặt (30%), thanh toán bằng ví điện tử chiếm gần 15%, quét mã QR code chiếm 9,6%, quẹt thẻ ngân hàng chiếm 8,5%, cổng thanh toán 0,5%.
“Giao dịch thanh toán thẻ theo hình thức trực tuyến tại các điểm bán hàng (POS) trong năm 2021 tăng 50% về số lượng và giá trị giao dịch so với năm 2020. Điều đó cho thấy người dân đang tích cực dịch chuyển sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trở nên quen thuộc và ưa chuộng với hình thức thanh toán bằng thẻ chip nội địa”, ông Nguyễn Quang Minh cho biết.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch đồng sáng lập ví điện tử MoMo, dịch bệnh suốt 2 năm qua đã góp phần đẩy mạnh lượng người dùng các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Một mặt do giãn cách xã hội, mặt khác mọi người cũng e ngại sử dụng tiền mặt vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên họ tìm đến các giải pháp thanh toán số…
Số liệu của MoMo cho thấy có sự dịch chuyển và gia tăng rõ rệt các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sử dụng ví điện tử cũng tăng mạnh. Ngay cả người dùng và doanh nghiệp trước đây vẫn quen với việc thanh toán bằng tiền mặt thì nay đã chuyển sang thanh toán bằng ví điện tử do tác động của dịch bệnh.
Liên quan tới việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp để đa dạng hoá trong giao dịch online, đại diện Napas cho biết: Hiện có 8 ngân hàng và công ty tài chính sẵn sàng phát hành thẻ tín dụng nội địa trên thị trường. Ngoài ra, căn cứ nhu cầu của thị trường, Napas đã triển khai với VietinBank và Agribank phát triển sản phẩm thẻ chip đa ứng dụng (ghi nợ - tín dụng).
Về kết quả chuyển đổi, theo số liệu thống kê từ các ngân hàng, tổng số thẻ nội địa và thiết bị ATM, POS chuyển đổi tính đến 31/12/2021 của các tổ chức thành viên Napas đạt tỷ lệ tương ứng là 32%, 89% và 96%. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip nội địa thực hiện qua hệ thống Napas tăng từ 8% năm 2020 lên hơn 25% vào năm 2021. Xét riêng trong tháng 11/2021, tỷ trọng này đã tăng lên 40%.
Ông Nguyễn Danh Phương - Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Thăng Long cho biết: Theo hướng dẫn của NHNN, thẻ công nghệ từ do Vietcombank phát hành vẫn được sử dụng bình thường sau ngày 31/12/2021. Như vậy, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ từ của Vietcombank để thực hiện giao dịch như rút tiền mặt hoặc thanh toán tại POS, kênh Internet, ứng dụng di động.
Nội dung này đã được Vietcombank truyền thông đến toàn bộ khách hàng, chủ thẻ Vietcombank. Hiện, toàn bộ các sản phẩm thẻ của Vietcombank phát hành đều sử dụng công nghệ chip, đồng thời Vietcombank vẫn đang tích cực triển khai truyền thông khuyến khích khách hàng chuyển đổi sử dụng thẻ từ sang thẻ chip nhằm gia tăng an toàn bảo mật.