CôngThương - Thất nghiệp tại Mỹ, giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, lãi suất leo thang ở châu Á, kinh tế Nhật Bản trì trệ do động đất và sóng thần là những yếu tố có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Đó là những nhận định của chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini. Theo ông, thị trường tài chính thế giới từ giữa năm tới sẽ bắt đầu xuất hiện những yếu tố gây lo lắng. Kể từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất hơn 3.300 tỷ USD. Riêng tháng này, chỉ số MSCI thế giới đã lao dốc 4,9%.
Phiên lao dốc thảm hại của thị trường chứng khoán Mỹ hôm thứ 6 tuần trước (10/6), đã đổ bóng tối lên triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Các cổ phiếu blue-chip tuột giá mạnh do nhà đầu tư sợ hãi về kinh tế Mỹ ngày càng yếu ớt, nợ Hy Lạp và tăng trưởng châu Á.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại là do các thảm hoạ thiên tai tại Nhật Bản và sự tăng giá dầu trong thời gian gần đây. Họ tin là tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Trong khi đó, theo một quan chức cấp cao thuộc lĩnh vực ngân hàng, một số ngân hàng lớn nhất Phố Wall đang chuẩn bị cắt giảm sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 8 tới để phòng ngừa các bất ổn có thể xảy ra nếu hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không sớm nâng trần nợ.
Thay vào đó, các ngân hàng sẽ tăng cường nắm giữ tiền mặt để làm tài sản thế chấp cho các hợp đồng phái sinh và dùng trong các giao dịch khác, qua đó giảm sự phụ thuộc của hệ thống tài chính vào trái phiếu kho bạc.
Hiện các nhà đầu tư trên toàn thế giới nắm giữ tới 9.700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên theo ước tính của JPMorgan Chase, gần 40% số trái phiếu hiện tại (4.000 tỷ USD) được sử dụng để tài trợ cho các thương vụ trên thị trường giao dịch các hợp đồng tương lai, hoán đổi và mua lại.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nếu không nâng trần nợ từ mức hiện tại là 14,300 tỷ USD, Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 2/8 tới. Theo giới phân tích Phố Wall, điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các thị trường tài chính.
Không chỉ gặp những khó khăn về tài chính, theo tờ New York Times, chi phí lao động đắt đỏ hơn trong khi thiết bị máy móc rẻ hơn đã dẫn đến việc các công ty Mỹ chi nhiều hơn để mua sắm máy móc, thiết bị thay vì thuê thêm nhân công. Điều này làm cho thị trường lao động Mỹ phục hồi chậm chạp.
Theo báo trên, sau hai năm phục hồi, nền kinh tế Mỹ đang vận hành ở mức như trước khủng hoảng, song số việc làm lại ít hơn khoảng 7 triệu.
Số liệu của Bộ lao động Mỹ cho thấy, kể từ khi kinh tế bắt đầu phục hồi, chi tiêu của doanh nghiệp vào lao động chỉ tăng 2%, trong khi chi tiêu cho thiết bị và phần mềm tăng 26%. Với việc giá thiết bị còn tiếp tục giảm và chính sách miễn giảm thuế đối với đầu tư vốn, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra.
Liên quan tới kinh tế châu Âu, hôm qua (13/6), tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ một lúc 3 bậc xếp hạng của Hy Lạp do nguy cơ vỡ nợ trong năm tới ở mức rất cao. Theo S&P, Hy Lạp hiện đang đứng trước khả năng phải tái cơ cấu nợ theo đề nghị của các chủ nợ.
Trước đó, hôm 12/6, phát biểu trên Đài phát thanh RBB của Đức, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng 17 nước khu vực Eurozone cho biết, các quốc gia thành viên nhất trí cho rằng, khoản nợ công của Hy Lạp "không nên tái cơ cấu hoàn toàn, mà phải tái cơ cấu mềm và tự nguyện."
Theo ông Jean-Claude Juncker các "chủ nợ" cần phải tham gia vào quá trình này, song phải trên cơ sở tự nguyện. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng này phải đưa ra quyết định về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, nhưng hiện vẫn còn bất đồng giữa các bên.
Gói cứu trợ mới ước tính lên tới 90 tỷ Euro này sẽ do Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đóng góp 1/3, kế hoạch bán tài sản của Chính phủ Hy Lạp thu về được 1/3 trong tổng số tiền này và 30 triệu Euro còn lại do các nhà tín dụng tư nhân đảm nhận.
Mặc dù, trong suốt hơn 1 năm qua Hy Lạp đã nhận được phần lớn số tiền trong gói cứu trợ 110 tỷ Euro (160 tỷ USD), nhưng nước này vẫn chìm sâu vào nợ nần với khoản nợ công hiện đã lên tới 350 tỷ Euro.
Trong khi đó, cũng theo đánh giá của S&P, mặc dù các nền kinh tế châu Á có thể bắt đầu tăng trưởng chậm lại, song doanh thu của hầu hết các ngân hàng tại khu vực này vẫn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay, nhờ đà tăng trưởng tín dụng, sự mở rộng hoạt động tại nước ngoài và các cơ hội mua bán và sáp nhập.
Theo bảng xếp hạng của S&P, 88% các ngân hàng châu Á xếp ở mức ổn định, 5% ở mức tích cực và 7% ở mức tiêu cực. Trong khi chỉ có 57% ngân hàng Mỹ xếp ở mức ổn định và 37% ngân hàng xếp ở mức tiêu cực.