Những điểm nghẽn
Từ kinh nghiệm của một nhà tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TNDN), lãnh đạo một công ty chứng khoán lý giải sự èo uột của thị trường TPDN hiện tại là do các tổ chức phát hành vẫn duy trì việc phát hành riêng lẻ với những nhà đầu tư đã được lựa chọn trước khi kế hoạch phát hành trái phiếu được công bố thông tin. Ngoài ra, các nhà đầu tư là tổ chức tín dụng thường mua trái phiếu và nắm giữ tới ngày đáo hạn, chứ không phải để giao dịch trên thị trường thứ cấp, nên ảnh hưởng không tích cực đến thanh khoản của thị trường.
“Thêm vào đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có những kênh thông tin đa chiều và chi tiết đến toàn thị trường. Kênh giao dịch thứ cấp thông qua thị trường trái phiếu niêm yết ít phát triển do các tổ chức phát hành còn e ngại thủ tục đăng ký niêm yết và trách nhiệm công bố thông tin...”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói.
Kinh nghiệm phát triển thị trường TPDN trên thế giới cho thấy, để bất kỳ thị trường nào phát triển đều cần có nhiều người bán và nhiều người mua với hàng hóa đa dạng. Thế nhưng, tại thị trường Việt Nam, phía người bán chủ yếu vẫn là một số công ty lớn như: Tập đoàn Masan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)… Còn phía người mua, cho đến nay, đại đa số vẫn là các ngân hàng thương mại. Các quỹ đầu tư hiện còn đóng vai trò rất nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân hầu như chưa có cơ chế để tiếp cận thị trường TPDN. Quỹ bảo hiểm xã hội cũng chưa tham gia...
Còn về hàng hóa, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại TPDN hiện rất khó, do không có tổ chức định hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng của mình, để từ đó, xác định mức độ an toàn của trái phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ.
“Thị trường TPDN khó phát triển còn do có 2 điểm nghẽn tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa được tháo gỡ là: muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải kinh doanh có lãi; báo cáo tài chính được kiểm toán phát hành phải nêu ý kiến chấp nhận toàn phần…”, một thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhìn nhận.
Chuyển động từ Bộ Tài chính
Liên quan đến khắc phục những “điểm nghẽn” của thị trường TPDN như phản ánh của VBMA và nhiều thành viên khác, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang trong quá trình đánh giá thực hiện Nghị định 90/2011/NĐ-CP để trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định thay thế, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; đồng thời, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn.
“Các quy định mới tại Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP tập trung vào sửa đổi, bổ sung điều kiện phát hành dự kiến cho phù hợp với thực tế phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cơ chế báo cáo, công bố thông tin và đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp cũng được hoàn thiện, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của việc phát hành trái phiếu, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp...”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Để tiếp sức cho thị trường TPDN phát triển, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; phát triển và mở rộng cơ sở nhà đầu tư trên thị trường; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Việc thúc đẩy ra đời công ty định mức tín nhiệm sau khi hành lang pháp lý đã đầy đủ đang đặt ra bức thiết trong bối cảnh hiện phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm và có tâm lý e ngại khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Được biết, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ thành lập công ty định mức tín nhiệm đầu tiên trên thị trường. Kỳ vọng, với những bước chuyển về hàng lang chính sách, thị trường TPDN Việt Nam sẽ sớm bước sang giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn.