CôngThương - Bức xúc từ Hiệp hội
Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Đặng Hoài Giang bức xúc nêu tình trạng trắc trở nhập khẩu điều thô từ Tây Phi, Đông Phi Indonesia, Campuchia..., trong khi các DN đã đăng ký NK từ đầu năm 2011, trước thời điểm ban hành TT13. Theo báo cáo của các DN, số lượng container hạt điều đang ùn ứ tại các cảng lên tới gần 300 chiếc.
Xuất khẩu những tháng đầu năm của ngành điều giảm rõ rệt về lượng dù được giá cao và kim ngạch có xu hướng tăng. Thống kê NK tháng 6, toàn ngành đã NK 73.200 tấn điều thô. Với công suất 800.000 tấn/năm trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 350.000 tấn dẫn đến tình trạng “ăn đong” của các DN. Tuy nhiên, ngành điều đang gặp khó do các quy định liên quan đến việc kiểm tra nguyên liệu khi từ 1/7, TT 13 có hiệu lực.
Hiệp hội Điều dự kiến, trong tháng 7 lượng điều NK có thể tăng, do đang là thời điểm NK nguyên liệu rất nóng, số lượng container ùn tắc tại cảng sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh của DN. Nếu tính số nguyên liệu NK tháng 7 bằng với tháng 6 là 73.200 tấn điều thô thì lượng hàng ùn ứ là rất lớn.
Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Thị Phương Dung cho rằng, TT 13 của Bộ NN&PTNT, quy định một số chất HF bắt buộc phải qua giám định kiểm tra an toàn thực phẩm. Do đó, DN nhập hóa chất và thuốc phụ trợ cho ngành nhuộm cũng bị ghép chất HF vào chung với các “ông thực phẩm”. Bất cứ lô hàng nào nhập các loại chất này, đương nhiên, DN phải làm hàng loạt thủ tục rườm rà, rất mất thời gian, để trình với các “ông giám định” rằng, không phải nhập cho tiêu dùng thực phẩm, mà chỉ nhập phục vụ cho ngành dệt và quan trọng là phục vụ cho sản xuất xuất khẩu…
Gỡ khó cho điều
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, đã gửi công văn tới Bộ NN&PTNT gỡ vướng cho nhập khẩu nguyên liệu điều. Thứ nhất, gia hạn áp dụng các quy định mới của TT13 về nhập khẩu nguyên liệu điều đến ngày 30/9/2011. Thứ hai, do các DN chưa hiểu rõ những quy trình về thủ tục hồ sơ có liên quan đến TT 13, đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn các hiệp hội điều địa phương, DN kinh doanh, sản xuất điều trong thời gian sớm nhất. Thứ ba, đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét việc đưa hạt điều thô ra khỏi danh sách nhóm hàng bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm NK vào VN. Bởi hạt điều thô chỉ là nguyên liệu để sản xuất hàng XK ra hạt điều nhân. Trên thực tế, chỉ hạt điều nhân mới là sản phẩm thực phẩm.
Gợi mở hướng xử lý
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, hiện nay Quốc hội, Chính phủ đang áp dụng nhiều chính sách tích cực để hỗ trợ XK. Bộ NN&PTNT ban hành TT 13 là thực hiện những quy định bắt buộc của pháp luật liên quan đến yêu cầu về kiểm tra chất lượng và giám định về kiểm dịch. Trước đó, TT 25 là kiểm dịch động vật và nay TT 13 là kiểm dịch thực vật.
Theo Thứ trưởng Biên, trong quá trình tham gia các đơn vị chức năng của các bộ chưa có cách xử lý và rút kinh nghiệm từ việc áp dụng những quy định liên quan đến thủ tục nhập khẩu, để phục vụ nguyên liệu cho sản xuất hàng XK, mà chúng ta đã vấp phải trong năm 2010, đó là TT 32 về kiểm định hàm lượng phoocmandehit. Theo Thứ trưởng, xử lý TT 32 có thể coi là bài học đắt giá, vì phải mất đến mấy tháng mới tìm được cách để tháo gỡ và cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của DN sản xuất, xuất khẩu gia công hàng dệt may... Sau đó, cả thủy hải sản cũng gặp trở ngại do TT 25, bây giờ hạt điều thì lại vướng TT 13.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ XNK cùng Cục Kiểm định thực vật, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, tìm cách áp dụng đối với nguyên liệu sản xuất hàng XK, theo hướng phải có những giải pháp xử lý khác, không nên kiểm tra đánh đồng nguyên liệu NK để phục vụ tiêu dùng trong nước với nguyên liệu sản xuất hàng XK, thậm chí là loại trừ một số mặt hàng XK có nguồn gốc là NK nguyên liệu.
“Việc này phải xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất, để giải quyết ách tắc cho DN, nhất là NK nguyên liệu thủy sản, nguyên liệu điều ở cảng, trong khi DN thiếu nguyên liệu sản xuất hàng XK như hiện nay”- Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.