Nghề làm chổi chít giúp bà con có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập
CôngThương - Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mịch, tổ 9, thị trấn Việt Lâm, từ ngoài cửa vào trong nhà, ngổn ngang các bó chít đã hong khô thơm mùi nắng. Năm 2003, ông Mịch thành lập hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Việt Thành, với mục đích đứng ra đại diện các hộ làm chổi chít để thu, mua và bán cho các thương lái ở các tỉnh Hà Nội, Hải Dương… Hiện nay, hợp tác xã có 185 lao động chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, có bình quân là 120.000 đồng/ngày, tạo công việc ổn định cả năm. Để làm chổi chít, ban đầu bà con phải lên đồi lấy những bông chít đang độ nở hoa, thường vào khoảng tháng Giêng, tháng 2 là tốt nhất, đem về hong nắng cho khô, sau đó mới tút từng bông và ghép thành chổi. Tại hợp tác xã Việt Thành hiện có đến vài chục tấn chít dự trữ để làm cả năm, sắp tới HTX dự định xây 2 lò sấy chít để chủ động hơn trong việc làm chổi. Tuy nhiên, ông Mịch cũng băn khoăn bởi cây chít là cây mọc tự nhiên, khai thác nhiều rồi cũng cạn kiện nguồn nguyên liệu, vì thế để chủ động hơn ông rất muốn được cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét thành lập làng nghề chổi chít và quy hoạch vùng nguyên liệu trồng chít.
Từ hiệu quả kinh tế mà cây chít đã mang lại, lãnh đạo thị trấn Việt Lâm đã lập đề án thành lập 2 làng nghề làm chổi chít. Đôàng chí Thiều Văn Bốn, Bí thư thị trấn Việt Lâm cho biết: “Hiện nay, các hộ tham gia làm chổi chít hiệu quả rất cao, tuy nhiên sản phẩm làm ra thường bị các thương lái thu mua ép giá. Hơn nữa, khi chưa có thương hiệu, bản quyền thì sản phẩm không thể xuất khẩu ra nước ngoài, mà phải qua khâu trung gian mới có thể xuất khẩu, điều này rất thiệt thòi cho người lao động. Sau khi thành lập làng nghề, chủ trương của thị trấn là mở các lớp đào tạo nghề làm chổi chít cho các hộ nghèo, đào tạo xong sẽ tạo việc làm ngay trong làng nghề. Với những cách làm đúng đắn đó, hy vọng nghề chổi chít sẽ giúp Việt Lâm tăng các hộ khá, giàu, giảm số hộ nghèo.