Hà Nam hướng tới kết quả bền vững cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về tình hình thực hiệNamác Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 |
Nhiều kết quả khả quan
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, sau 3 năm triển khai thực hiện, các Chương trình MTQG của tỉnh đã đạt kết quả rất khả quan.
Cụ thể, với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, đến nay số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM) là 79,6%, vượt mục tiêu đến năm 2020 của cả nước (50%); có 2/6 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với 2 tiêu chí do Bộ Công Thương được giao chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, tỉnh cũng đạt kết quả rất tốt. Dự kiến đến hết năm 2018, số xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn là 96/98 xã, đạt tỷ lệ 97,96%, cao hơn bình quân chung của cả nước (85,1%); số xã đạt tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn là 86/98 xã, đạt 87,8% cũng cao hơn mức bình quân chung cả nước (73,9%).
Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 5,81% cuối năm 2015 xuống còn 3,28% năm 2017, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ còn 3,14%. Hệ thống chính sách giảm nghèo ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.
Những kết quả đạt được của Hà Nam trong thực hiện các Chương trình MTQG có được là do một phần công tác chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành rất sát sao. Tỉnh khuyến khích thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất. Theo đó, doanh nghiệp trực tiếp thuê lại quyền sử dụng đất của người dân trong vòng 20 năm, trả tiền 1 lần để sản xuất nông sản sạch, đồng thời tạo việc làm cho chính người dân trên mảnh đất đó. Hà Nam hiện đã có hơn 1.000 ha diện tích đất được tích tụ, cung cấp một sản lượng lớn nông sản sạch cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội.
Cùng đó, tỉnh cũng đã thực hiện rất tốt công tác kiểm tra, rà soát và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Về nguồn lực thực hiện, ngoài chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách Xã hội, tỉnh hỗ trợ tới 50% kinh phí cho 2.523 hộ nghèo mua nhà ở. Tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động. Từ đó, giúp cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quốc Huy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Hà Nam có nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững do trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Trong thời gian tới tỉnh sẽ kết hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội và các cơ sở đào tạo trên địa bàn có định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh đang học lớp 12. Tổ chức cho các em học tại Hà Nam, sau khi ra trường sẽ được giới thiệu việc làm với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Hỗ trợ về vốn giúp doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tổ chức đưa đón công nhân làm việc nhằm giữ lao động bền vững, đồng thời giải bài toán khát nhân lực của Hà Nam hiện nay. Phối hợp một số cơ quan của Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức đào tạo tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, với các xã đã đạt chuẩn NTM tỉnh đôn đốc các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra nhằm giữ vững chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
Ông Trương Quốc Huy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: Hà Nam có nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững |
Ông Trương Quốc Huy cũng đề nghị: Trong thời gian tới nhu cầu điện cho sản xuất của tỉnh rất lớn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ hơn nữa cho tỉnh nâng cấp hệ thống truyền tải điện, kết nối với hệ thống truyền tải của Hưng Yên tạo nguồn cung điện đầy đủ cho tỉnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả Hà Nam đã đạt được trong thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua. Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nam sớm đưa các định hướng triển khai vào thực tiễn nhằm hoàn thành các chương trình với hiệu quả tốt và bền vững.
Cụ thể, với Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện. Những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM phải xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò của Sở Công Thương và ngành điện đối với thực hiện chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của chương trình, từ đó người dân có những đóng góp tích cực.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số. thưc hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng.
Sau đây là một số hình ảnh đoàn công tác thăm quan thực tế cơ sở hạ tầng nông thôn và cơ sở sản xuất tại xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam: