Hà Nội: Nhiều trạm xe đạp công cộng với giá thuê chỉ từ 5 nghìn đồng/30 phút Xe đạp công cộng tại Hà Nội và bài toán "dặm cuối" trong hệ thống giao thông |
Sáng 24/8, UBND TP.Hà Nội phối hợp với một doanh nghiệp khai trương dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 1.000 xe, trong đó có 500 xe điện trợ lực.
Hiện đã có 16.452 tài khoản mới được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, tương đương 46.894km đã đi (trung bình 6,3km/chuyến đi).
Dịch vụ cho thuê xe đạp trước đó đã triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, với hơn 2.500 xe hoạt động, hơn 2,6 triệu km đã đi.
Tại Hà Nội, dịch vụ nằm trong dự án Xe đạp đô thị của thành phố dự kiến triển khai cuối năm 2022, nhưng bị hoãn lại do nhà đầu tư muốn phát triển thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga.
Dịch vụ cho thuê xe đạp giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng |
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, trong giai đoạn đầu có 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện sẽ được bố trí tại 79 điểm trạm. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi.
Để sử dụng vụ, khách hàng cài đặt app (ứng dụng) trên điện thoại và nạp 10.000 đồng để thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện trong 30 phút, đối với xe đạp cơ là 5.000 đồng.
Nếu chạy quá số tiền đã nạp, người thuê có thể nạp bù ở lần tiếp theo. Các trạm không có người trông coi, người thuê có thể trả xe ở trạm bất kỳ.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết, dịch vụ cho thuê xe đạp giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện công cộng, thay đổi thói quen đi lại để góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài xe đạp, Hà Nội đã triển khai xe buýt điện, taxi điện, xe máy điện.
Thành phố đặt mục tiêu có 30-35% phương tiện công cộng. Sau 12 tháng thí điểm, Sở sẽ đánh giá chất lượng, hiệu quả mô hình này.
Trong thời gian thí điểm 12 tháng, UBND TP. Hà Nội đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam theo dõi, tiếp thu phản hồi của người dân, du khách, nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.
TP. Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.