Góp sức lớn của chương trình khuyến công
Bà Trần Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, dù thực hiện giãn cách trong một khoảng thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên về cơ bản, Hà Nội không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, phần lớn doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, làng nghề duy trì được đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu, giữ được lao động và duy trì sản xuất. Thành công đó có sự góp sức lớn của chương trình khuyến công.
Cần phân định rõ việc quản lý để làng nghề phát triển |
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, đội ngũ làm công tác khuyến công của thành phố đã tổ chức được 19 lớp tập huấn về chính sách khuyến công, hội nhập quốc tế, tư vấn thiết kế mẫu mã; cung cấp thông tin thị trường cho 55 doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; tuyên truyền, quảng bá, kết nối giao thương cho doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu.
Thành phố cũng tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm khuyến khích sáng tạo thiết kế mới cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp- làng nghề mang tính hiện đại và truyền thống, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Năm 2021, trên địa bàn thành phố có 255 sản phẩm đăng ký tham gia, 90 sản phẩm đạt giải.
Hà Nội cũng hỗ trợ 18 cơ sở sản xuất đầu tư máy móc công nghệ; tổ chức 10 sự kiện trong các hội chợ triển lãm. “Đặc biệt, ngay trong thời điểm Hà Nội Gifshow dàn dựng khai mạc, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đã tới tham quan và ký kết đơn hàng. Đây là tín hiệu thị trường tốt cho doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp-làng nghề của thành phố” - bà Lan nói.
Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố đã kết hợp với sàn thương mại điện tử Amazon tổ chức tập huấn riêng cho các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp- làng nghề về phương thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Hiện 200 sản phẩm tiểu thủ công nghiệp- làng nghề đã có mặt trên sàn thương mại điện tử này.
Kiến nghị từ thực tiễn
Nói về những bất cập trong quản lý, Bà Trần Thị Phương Lan cho hay: Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn giao nhiệm vụ chính quản lý làng nghề cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đã nảy sinh những bất cập và chưa sát với thực tiễn. Đơn cử, chương trình khuyến công do ngành Công Thương quản lý, thực hiện đôi khi “va” với hoạt động hỗ trợ cho khu vực làng nghề - thuộc quản lý của ngành nông nghiệp. Theo bà Trần Thị Phương Lan, mặc dù có sự phối hợp nhưng rất khó chủ động triển khai thực hiện và thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Trước những bất cập đó, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ phân định rõ: Lĩnh vực nào trong ngành nghề nông thôn thuộc quản lý của ngành Công Thương, lĩnh vực nào thuộc ngành nông nghiệp quản lý để có định hướng phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng ngành.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất, Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai số hóa cho ngành nghề công nghiệp nông thôn và lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - làng nghề để các địa phương cùng kết nối, phối hợp triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ, đồng hành giúp trung tâm khuyến công tại địa phương có mô hình bộ máy tổ chức đảm bảo theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công.