Chính sách phát triển cụm công nghiệp: Đổi mới, bắt nhịp xu hướng Khơi thông nguồn lực cho phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp Vì sao chậm triển khai Cụm công nghiệp Chàng Sơn? |
Thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh
Thống kê của Sở Công Thương tính đến hết tháng 9/2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp phục vụ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, khu dân cư hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tập trung, xanh, sạch với môi trường.
Cụm Công nghiệp Phương Trung (Thanh Oai-Hà Nội) đầu tư cơ sở, hạ tầng đồng bộ đáp ứng tiêu chí xanh (Ảnh: Hoàng Nhung) |
Cùng đó, vào ngày 28/05/2022 Chính phủ cũng ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP “Quy định về Quản lý khu Kinh tế, khu Công nghiệp”, đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”. Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như cụm công nghiệp Phương Trung.
Đảm bảo phát triển công nghiệp xanh của Thủ đô
Ông Nguyễn Đức Bình Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng Liên Việt- Chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Phương Trung cho biết: Là một trong những dự án cụm công nghiệp có quy mô vừa dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, CCN Phương Trung được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thi công hạ tầng, nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy Giấy phép môi trường sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư vào thuê cần diện tích vừa và nhỏ quanh Hà Nội từ tháng 11/2023.
Hiện nay, tại cụm công nghiệp Phương Trung, hệ thống nguồn điện 3 pha được cung cấp liên tục và ổn định từ 2 trạm biến áp 2x1600kVA – 35(22)/0,4kV. Mạng lưới điện hạ áp được chạy dọc theo các đường giao thông nội bộ trong cụm công nghiệp và chờ đấu nối tới từng lô đất, doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ lưới điện hạ áp này thông qua điện lực Thanh Oai.
2 trạm biến áp đã được lắp đặt đảm bảo cấp điện ổn định cho các doanh nghiệp (Ảnh:Hoàng Nhung) |
“Hệ thống lưới điện sản xuất đã đủ điều kiện bắt đầu đi vào phục vụ sản xuất, tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, nguồn nước tại cụm công nghiệp được lấy từ nhà máy nước sạch trên địa bàn; hệ thống cấp nước được dẫn đến tận chân hàng rào các lô đất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch cho toàn bộ các doanh nghiệp phát triển sản xuất”- ông Nguyễn Đức Bình cho biết.
Song song với đó, nhà máy xử lý nước thải công suất 310 m3/ngày/đêm tại cụm công nghiệp được xây dựng hiện đại kết nối online với Sở Tài Nguyên và Môi Trường đáp ứng tất cả các yêu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.
Hệ thống xử lý nước thải của Cụm công nghiệp Phương Trung đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ (Ảnh:Hoàng Nhung) |
Đồng thời, chất thải rắn từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Phương Trung sẽ được phân loại, thu gom vận chuyển về bãi tập kết của cụm công nghiệp, sau đó vận chuyển đến các cơ sở tái chế để xử lý.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì hệ thống cấp nước và các họng cứu hoả cũng đã được bố trí dọc theo các tuyến đường trong khu vực với khoảng cách giữa các họng cứu hỏa tối đa 150m, đạt tiêu chuẩn tối đa quy chuẩn về phòng chống cháy nổ.
Có thể khẳng định, sau khi đi vào hoạt động Cụm công nghiệp Phương Trung sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới.
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố nói chung và tại cụm công nghiệp Phương Trung nói riêng là đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 10,2%/năm. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.