Ráo riết “gom” đất dịp cuối năm
Báo cáo thị trường bất động sản năm 2021 của Savills, hầu hết nguồn cung tương lai này đều nằm tại huyện Hoài Đức và Đan Phượng. Riêng huyện Hoài Đức chiếm 56% thị phần giao dịch trên toàn thị trường, theo sau là quận Hà Đông với 24%. Ghi nhận thực tế tại huyện Hoài Đức, nhiều vị trí đẹp trong làng xã trước đây với mức giá từ 30-35 triệu đồng/m2, nay có thể được chào giá từ 90 - 120 triệu đồng/m2. Cùng với những cơn sốt đất nền cục bộ, quan sát thực tế cho thấy, thời gian gần đây giới đầu tư đang dồn mua tài sản bất động sản tích trữ, đón đầu cơ hội tăng giá khá nhiều.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến thị trường Hoài Đức hút khách cực mạnh là do sự “thay da đổi thịt” với hàng loạt công trình, dự án về giao thông, hạ tầng, tiện ích vui chơi… liên tiếp được đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa.
Đơn cử như tuyến đường Tây Thăng Long, Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, vành đai 3.5, hay đường Trung Văn nối với Mễ Trì - Mỹ Đình được đầu tư xây dựng, tạo thành một chuỗi giao thông liên hoàn kết nối toàn bộ khu vực phía Tây với trung tâm cũ, biến khu vực này trở thành trục phát triển mạnh mẽ nhất của Hà Nội.
Nắm bắt được cơ hội đầu tư lớn, nhiều nhà đầu tư đang đổ xô “gom” hàng tại các khu vực này. Cụ thể, theo tìm hiểu của Vuasanca , mặc dù Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến đường 32 đang triển khai những giai đoạn cuối cùng, tuy nhiên, loạt dự án bất động sản hai ven đường này đang "khan hàng", và gần như không có hàng mới của chủ đầu tư.
Anh Hoàng Tuấn Linh, môi giới dự án Vườn Cam cho biết, trong số các dự án dọc trục đường 3.5 đoạn qua huyện Hoài Đức, dự án Vườn Cam (Khu đô thị biệt thự Vườn Cam – Orange Garden) có giá thấp nhất, dao động từ 68m - 78 triệu đồng/m2. Nhưng gần như không có hàng để bán. Tương tự, nằm dọc trục đường 3.5, sát với dự án An Lạc Green Symphony, khu đất dịch vụ phân lô cũng được chào giá từ 90 triệu đồng/m2 - 180 triệu đồng/m2 chưa gồm xây dựng.
Đặc biệt, nhiều dự án “ngủ đông” sau một thời gian dài cũng được đánh thức trong năm qua. Anh Nguyễn Tùng Anh, một nhà đầu tư tại một dự án thuộc Kim Chung, Hoài Đức cho biết, anh cùng bạn gom vốn đặt mua 4 lô ở tại dự án này cách đây gần chục năm, giá lúc đó khoảng 50 triệu đồng/m2. Dự án bị chậm tiến độ, đồng nghĩa hàng chục tỉ đồng của anh và các bạn “chết đứng”. May mắn từ giữa năm 2020 đến nay dự án được khởi động, nhờ đó giá lại tăng cao.
Cũng theo nhiều môi giới bất động sản cho biết, hiện nhu cầu mua đất tại các khu vực quanh vành đai 3.5 đang “hót” nên rất nhiều khách tìm mua. Đặc biệt, những ngày cuối năm, hoạt động mua bán đất tại các khu vực này càng nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, đường vành đai 3.5 Hà Nội là tuyến giao thông kết nối giữa Bắc Sông Hồng và Nam Sông Hồng. Giới đầu tư biệt thự dự đoán, nhiều người "săn" đất khu vực này để đón sóng sau khi Hoài Đức lên quận và đường 3.5 qua đây được hoàn thành trong 1 vài năm tới.
Nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Huy Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư RFI nhận định, hiện quỹ đất sạch tại vùng lõi nội đô Hà Nội ngày càng khan hiếm, giới đầu tư bất động sản đang có xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư sang các vùng ven, nhất là các huyện sắp lên quận, khiến giá nhà đất tại đây thời gian qua không ngừng tăng lên. Cụ thể, đất nền trong vành đai 4 giá dao động khoảng 60-80 triệu đồng/m2; từ vành đai 4 về đến đường vành đai 3 dao động giá từ 100-200 triệu đồng/m2; phía trong vành đai 2 giá dao động từ 200-500 triệu đồng/m2.
Chia sẻ về việc nhu cầu bất động sản tăng "nóng" trở lại tại các khu vực này, theo ông Thịnh, thời gian qua, nhiều khu vực đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và hạ tầng phát triển đến đâu thì nhu cầu đầu tư bất động sản cũng gia tăng đến đó. Vì hạ tầng giao thông là nền tảng để phát triển đô thị, khu công nghiệp, dân cư và nhà ở.
Lý giải thêm về nguyên nhân bất động sản ngoài trung tâm hấp dẫn các nhà đầu tư, bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội cho biết, bên cạnh yếu tố về giá, quy hoạch mở rộng đô thị của Hà Nội cũng tạo thêm màu sắc mới cho bức tranh nguồn cung bất động sản ven Thủ đô.
"Dự kiến quy hoạch 5 huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025 đã tạo tiền đề để các huyện này phát triển các khu dân cư trọng điểm. Và từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung" - bà Lan phân tích.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên chú ý đến tầm nhìn dài hạn, tránh "ăn theo" quy hoạch nhằm hạn chế rủi ro |
Ngoài ra, đại diện Savills Hà Nội cũng cho hay, xu hướng chuyển dịch trong thị trường cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng. Tuyến đường vành đai 3, số 3.5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía Tây. Kế hoạch vận hành các tuyến Metro và xây dựng đường vành đai 2.5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông. Sự thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm.
Đánh giá về tiềm năng đầu tư của bất động sản vùng ven, bà Lan chia sẻ, đầu tư là việc sử dụng một số tiền để mua một loại tài sản với kỳ vọng là nó sẽ tăng giá trong tương lai. Yếu tố để quyết định việc chi tiêu hôm nay là nhìn vào những yếu tố trong tương lai chứ không phải là những thuận lợi bây giờ.
"Bất động sản trong nội thành không phản ánh tất cả những lợi thế tiềm năng vào giá, vậy nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến những nơi mà nhà đầu tư tin rằng sẽ có những sự thay đổi căn bản trong tương lai. Khi bất động sản trong trung tâm đã phản ánh toàn bộ tiềm năng tương lai vào trong giá của hiện tại thì bất động sản vùng ven có thể là một sự chọn tốt đứng trên khía cạnh này", bà Lan nói.
Tuy nhiên, bà Lan khuyến cáo, các nhà đầu tư nên chú ý đến tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch của mình. Mỗi cá nhân có những mục đích khác nhau, tuy nhiên then chốt vẫn là những tiêu chí cơ bản bao gồm tiềm năng phát triển, quy hoạch và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Theo các chuyên gia bất động sản, giá đất tăng là xu hướng khi quá trình đô thị hóa mở rộng, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư khi biết được thông tin về đầu tư hạ tầng, họ đã nắm bắt cơ hội để "đón sóng". Nhưng chỉ những người nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư cho các dự án “ăn theo” hạ tầng. Đầu tư dạng này phải dài hạn và khi không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn.