Hà Nội: Tạo động lực cho công nghiệp hỗ trợ
Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế lớn trong lĩnh vực phát triển CNHT, phủ rộng ở nhiều lĩnh vực từ CNHT cho ôtô, cơ khí đến CNHT cho điện tử, dệt may… Tuy nhiên, khảo sát của Hiệp hội DN ngành CNHT TP.Hà Nội (HANSIBA) cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến gần 90% số DN CNHT thuộc hiệp hội bị giảm doanh số; 50% số DN hoạt động cầm chừng và một số DN đã phải chuyển hướng sản xuất. Cùng với đó, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN CNHT tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia như: Samsung, Canon, Toyota, Ford,… Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai và phát triển các nhà máy, xí nghiệp, những dự án mới của DN.
Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển CNHT |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các DN CNHT trên địa bàn thành phố đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời cũng nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Trong đó, nhiều DN mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho DN; tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường.
Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để ngành CNHT vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TP. Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo hướng sát thực tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN CNHT.
“Tuy nhiên, các DN CNHT của Thủ đô nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, chủ yếu do có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao của chuỗi sản xuất toàn cầu; chưa tự chủ được đầu vào... Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều DN đứt gãy sản xuất, lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất” - ông Đàm Tiến Thắng đánh giá.
Trước thực tế này, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc “Thực hiện chương trình phát triển CNHT TP. Hà Nội năm 2021”, theo đó, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 900 DN CNHT trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng hơn 11%. Song song với đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT ngành dệt may - da giày.
Đại diện HANSIBA cho biết, sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các DN CNHT Việt Nam phù hợp hơn, tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu; tìm nguồn vốn ưu đãi, kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành CNHT… |