Hà Tĩnh hiện có 23 CCN với tổng diện tích 615,46ha. Các dự án trong CCN đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động với giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng, từ đầu năm tới nay, hoạt động đầu tư trong các CCN trên địa bàn khá sôi động. Trong đó, CCN Cổng Khánh 1 (Thị xã Hồng Lĩnh) đã chính thức khởi công xây dựng hạ tầng với tổng vốn hơn 255 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư IDI làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai trên diện tích 45 ha, dự kiến từ quý III/2023 đến quý I/2024 sẽ được đưa vào sử dụng.
Hà Tĩnh phát triển đồng bộ hạ tầng CCN, thu hút dự án sản xuất |
Tương tự, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Đức Thọ do Công ty CP Đầu tư GS miền Trung làm chủ đầu tư cũng đã được khởi công xây dựng. Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành CCN tập trung đa dạng ngành nghề; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua hệ thống xử lý chất thải hiện đại... Hiện, đã có 3 dự án thứ cấp được chấp thuận chủ trương đầu tư vào CCN Đức Thọ, gồm: Nhà máy bao bì của Công ty Sông La Xanh (2,5 ha), giai đoạn 1 đã đầu tư 80 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 320 công nhân; Nhà máy may mặc của Công ty May mặc xuất khẩu Appareltech (6,5 ha), giai đoạn 1 đầu tư 130 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.500 công nhân; Nhà máy Bê tông thương phẩm và sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Viết Hải (3,5 ha) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 lao động.
Cho dù tình hình đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tới nay khá sôi động nhưng thu hút đầu tư thứ cấp và tỷ lệ lấp đầy của các cụm ở mức trung bình. Trong đó, 13 CCN do UBND cấp huyện quản lý, đạt tỷ lệ lấp đầy 57,98%; 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng, đạt tỷ lệ lấp đầy 38,03%.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, các CCN đã huy động được nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế phục vụ cho sự phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tận dụng đất đai và nguồn nguyên liệu, tay nghề lao động sẵn có tại các địa phương.
Nhằm phát huy hơn nữa tác động của các CCN với phát triển công nghiệp của địa phương, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ lấp đầy của các CCN, Sở Công Thương Hà Tĩnh đang xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Hà Tĩnh phấn đấu có 46 CCN với tổng diện tích 1.988 ha, trong đó giữ nguyên 9 cụm, mở rộng 12 cụm và bổ sung 25 cụm; sau năm 2030 giữ nguyên 46 cụm với tổng diện tích khoảng 2.348ha, trong đó giữ nguyên diện tích 33 cụm với tổng diện tích khoảng 1.443ha và mở rộng 13 cụm từ diện tích 545ha lên 905ha.
Với phương án đưa ra, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại và đề xuất các CCN trên địa bàn gửi Sở Công Thương tổng hợp; giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá lại phương án phát triển CCN trên địa bàn, trong đó lưu ý đến vị trí, quy mô, ngành nghề của từng cụm; khoảng cách và đánh giá tác động của việc bổ sung, mở rộng CCN đến sự phát triển đô thị, phát triển du lịch, khả năng đấu nối giao thông trong tương lai… đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu quả các CCN khi được thành lập, mở rộng nhằm tạo thu nhập, việc làm cho lao động địa phương.
Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu trọng tâm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển hài hòa với quy hoạch kinh tế- xã hội của tỉnh. |