Hà Tĩnh: Sức hút từ công nghiệp hỗ trợ sau thép
Vốn vào CNHT tăng mạnh
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, khoảng 3-4 năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực CNHT tăng mạnh. Năm 2019, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 97 dự án của nhà đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn 12,8 triệu USD. Trong đó, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực CNHT.
Tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng hiện có 137 DN được cấp phép đầu tư, với số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD và trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án về cảng biển, điện năng, luyện thép, hậu thép, CNHT chiếm trên 2/3 tổng số DN đầu tư vào đây. Các dự án này đang nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư của các DN trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - ông Dương Tất Thắng - chia sẻ: Ngành sản xuất sau thép phát triển sẽ kéo theo các DN phụ trợ trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ cho quá trình vận chuyển, đóng gói, cảng biển, logistics… Do đó, đây là lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên, trên cơ sở tiếp tục nhìn nhận vai trò trọng tâm là Formosa và kết nối với các dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất thép, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất tại KKT Vũng Áng.
Theo ông Chu Đức Khải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Ngành thép Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về cơ sở hạ tầng, ngành thép trong nước vẫn đối mặt với những thách thức do trang thiết bị công nghệ lạc hậu. Đã đến lúc, Việt Nam cần phát triển ngành thép theo hướng nâng cao chất lượng thay cho số lượng và đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng về các sản phẩm công nghiệp chế tạo máy.
Ưu tiên CNHT sau thép
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, ngành CNHT sau thép đầu tư vào KKT Vũng Áng được hưởng các chính sách ưu đãi của KKT, như: Được bàn giao mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng đồng bộ, quỹ đất luôn đảm bảo cùng nhiều ưu đãi khác cho các DN, nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sau thép… Hà Tĩnh cũng sẽ tích cực phối hợp với bộ, ngành, trung ương trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến và CNHT, tận dụng lợi thế nguyên liệu cơ bản là sản phẩm của dự án Formosa để hình thành chuỗi giá trị ngành công nghiệp sau thép, CNHT trên địa bàn tỉnh; kết nối sản phẩm của Formosa với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án sản xuất, cung cấp vật tư, thiết bị thay thế định kỳ, thường xuyên và sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu thép.
Tại hội thảo về công nghiệp gang, thép do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức năm 2019, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - biểu dương tỉnh Hà Tĩnh đã có hướng phát triển đúng đắn và kêu gọi các DN, nhà đầu tư trong việc phát triển công nghiệp thép, sau thép và CNHT. Đồng thời, coi đây là hành động cụ thể để kết nối các DN trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thép, sau thép. Việc phát triển các DN quanh trục xoay luyện thép, hậu thép, CNHT đang tạo ra sự sôi động trong hoạt động của KKT Vũng Áng nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh: Sản xuất công nghiệp (SXCN) đóng vai trò là động lực trong tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Giá trị SXCN năm 2019 ước đạt 75.800 tỷ đồng, tăng gấp 6,11 lần so với năm 2015 và 32,12% so với cùng kỳ năm 2018. |