Thông tin được một lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên chia sẻ với báo chí vào ngày 22/12.
Về nguyên nhân, vị lãnh đạo này cho biết, chuột túi bị chết do khí hậu quá lạnh không phù hợp. Một nguyên nhân khác là do đơn vị chưa có kinh nghiệm nuôi chuột túi...
Vẫn theo vị lãnh đạo này, một con chuột túi bị chết ngày 8/12, một con chết hôm 12/12, đều là đực.
"Hiện hai con chuột túi này đã được cấp đông và có hướng làm tiêu bản lưu giữ phục vụ trưng bày, nghiên cứu", vị lãnh đạo này thông tin.
Còn 2 con chuột túi còn lại, lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết, hiện đang ổn, tuy nhiên mấy hôm nay nhiệt độ ở Sa Pa đang xuống rất thấp nên việc chăm sóc chúng gặp khó khăn.
4 cá thể chuột túi trước đó được tìm thấy tại Cao Bằng |
Trước đó, ngày 16/11, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận 4 cá thể chuột túi (tên khoa học Notamacropus rufogriseus) từ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (Cao Bằng) để cứu hộ, chăm sóc theo quy định.
Con chuột túi đầu tiên được người dân trên địa bàn xã Đức Long, huyện Thạch An, phát hiện và bắt giữ tối 8/11. Đến sáng 9/11, công an xã cùng người dân bắt được thêm 3 con chuột túi khác.
Qua giám định loài, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận 4 con chuột túi trên (3 cá thể chuột túi đực, 1 cá thể chuột túi cái) là loài chuột túi lớp thú, không phân bố ở Việt Nam. Đây là loài chuột túi không có tên trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm; tất cả đều khỏe mạnh.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, có thể những con chuột trên là loài ngoại lai do các đối tượng buôn lậu vứt lại khi bị kiểm lâm phát hiện.
Sau đó, 4 con chuột túi được đưa về Lào Cai, tới sáng 17/11 được đưa tới Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên và đã được nuôi dưới dạng bán hoang dã, trong khu vực nuôi rộng khoảng 200 m2.