Tại siêu thị WinMart Liễu Giai trong sáng 25/1, nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt, sang trọng với mức giá cả phải chăng.
Lựa chọn mua các sản phẩm trái cây tươi thắp hương đúng dịp ông Công ông Táo, chị Nguyễn Thị Thủy (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) - cho hay, nguồn hàng tại siêu thị khá phong phú, hoa quả rất tươi ngon, giá cả phù hợp, không cao hơn so với bên ngoài. Do nguồn cung dồi dào nên người tiêu dùng như chúng tôi cũng không có tâm lý tích trữ hàng hóa.
Đoàn kiểm tra công tác phục vụ Tết của TP. Hà Nội tại siêu thị WinMart Liễu Giai |
Còn tại siêu thị BigC Thăng Long, dù mới đầu giờ sáng, nhưng lượng khách đổ vào siêu thị cũng khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả. Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được người tiêu dùng lựa chọn.
Là người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Nhung (đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) cho hay, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng tôi mua là hàng Việt Nam do chất lượng tốt, và ủng hộ hàng Việt. Tuy nhiên, theo chị Nhung, năm nay kinh tế khó khăn, do đó, tâm lý mua sắm cũng rè rặt hơn so với năm ngoái rất nhiều. Bên cạnh đó, tâm trạng thấp thỏm lo âu khi đi mua sắm trong bối cảnh những ca Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn nhiều.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart Liễu Giai |
Năm nay kinh tế eo hẹp hơn nên người dân chỉ mua các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ cho dịp Tết như thực phẩm, bánh kẹo. Mặt khác, do dịch bệnh, người dân hạn chế đi chơi, đi chúc Tết nên so với mọi năm, người tiêu dùng mua kém hơn một chút. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm tiêu dùng online cũng tăng trong dịp Tết này với mức tăng lên đến 300%, đó là thực tế tại hệ thống siêu thị BigC và GO!. Dễ dàng đặt hàng qua các ứng dụng, thanh toán đơn giản qua Mobile Banking, ví điện tử hay QR Code, thậm chí, nhiều ưu đãi chỉ áp dụng khi đặt mua hàng trực tuyến đã hấp dẫn người mua.
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! khu vực miền Bắc - đánh giá, năm nay khách hàng sẽ mua sắm muộn hơn. Dự kiến, đến thứ 6, 7 tuần này lượng mua sắm sẽ tăng mạnh hơn. Hiện lượng hàng thiết yếu vẫn được các nhà cung cấp tiếp tục cung ứng cho siêu thị. Vì vậy, khi lượng mua tăng mạnh vào những ngày cuối tuần sát Tết thì BigC vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho người dân. “Đặc biệt, giá hàng hóa không những không tăng, mà còn giảm cùng nhiều chương trình khuyến mãi từ 15% - 50%, đặc biệt những ngày cuối năm siêu thị sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho các mặt hàng tươi sống, hàng nhập khẩu, trái cây nhập khẩu…”, ông Lê Mạnh Phong nói.
Còn theo ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành WinMart miền Bắc, để phục vụ nhu cầu mua sắm, từ rất sớm hệ thống siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ nguồn hàng. Đến nay, cơ bản nguồn hàng đã về đến các siêu thị và lượng hàng dự trữ năm nay tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là ngành hàng tươi sống, nguồn cung tăng 25% so với cùng năm trước. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu của người dân, chúng tôi cũng sẽ bổ sung thêm rất nhiều các mặt hàng đặc sản vùng miền, trong đó có những đặc sản từ đồng bằng sông Cửu Long, chả mực Hạ Long…
Cũng theo ông Khúc Tiến Hà, năm nay, do dịch Covid-19, lượng khách hàng trực tiếp mua sắm tại hệ thống siêu thị không tăng so với năm trước. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu cho các khách hàng ngại đến khu vực đông người, hệ thống siêu thị đang triển khai dịch vụ đi chợ hộ, dịch vụ này đang được khách hàng đón nhận một cách tích cực. Như vậy, nếu xét về tổng thể thì lượng khách hàng năm nay cũng tương đương so với năm trước. Theo kế hoạch, hệ thống siêu thị sẽ mở cửa đến 12h trưa ngày 30 Tết và mở cửa trở lại vào sáng Mùng 4 Tết để phục vụ người dân mua sắm.
Qua công tác kiểm tra, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, nguồn cung dồi dào, hàng hóa đảm bảo chất lượng và đặc biệt hàng Việt Nam đang chiếm trên 90% trên các kệ hàng, giá cả ổn định. Sức mua của người dân cũng đảm bảo tương đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, người dân thay đổi phương thức mua sắm, theo đó, việc đến siêu thị mua trực tiếp là ít hơn. Khi đến thì lượng hàng hóa mua nhiều hơn và tập trung vào mua theo phương thức online, thương mại điện tử. “Tết Nhâm Dần năm nay đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tăng từ 15-30% đối với từng loại mặt hàng”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Hà Nội đã giao cho các hệ thống phân phối chủ động kết nối với các nhà cung cấp cách đây khoảng 3 tháng, do đó, nguồn hàng của các nhà cung cấp ổn định, không có sự tăng giá mặc dù trong dịp Tết nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến. Đồng thời, giao cho hệ thống siêu thị đảm bảo công tác mở cửa trước trong và sau Tết rất hài hòa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân cũng như công tác phòng chống dịch.
Ghi nhận sự chuẩn bị đầy đủ, tích cực của các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị trong việc chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của bà con cho dịp Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, báo cáo của các nhà bán lẻ, siêu thị cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân trong tuần vừa qua không tăng mạnh, và qua kiểm tra thực tế của Đoàn kiểm tra hôm nay, lượng khách hàng đi mua sắm trực tiếp không đông nhưng phản ánh mua sắm online tăng mạnh. Qua trao đổi với các đơn vị cung cấp hàng hóa cho bà con trong dịp Tết, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân được chuẩn bị đầy đủ. Các nhà phân phối cũng cam kết giữ bình ổn giá.
Ghi nhận một số hình ảnh trong buổi kiểm tra sáng nay
Kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa tại siêu thị Big C Thăng Long |
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C Thăng Long |