Bài viết mới đăng tải trên WSJ đánh giá, quyết định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 100% trừ mọt số lĩnh vực đặc biệt là nhân tố giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu tháng này.
Nhà đầu tư trong nước đã tăng cường mua cổ phiếu với kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường sau khi quy định nới room có hiệu lực từ tháng 9 tới.
Trong khi đó, phía nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tỏ ra rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. 6 tháng đầu năm, khối ngoai mua ròng hơn 233 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, tăng đáng kể so với 128 triệu USD trong cả năm 2014. Có khoảng 30 doanh nghiệp, chiếm 1/5 vốn hoá trên sàn HOSE đã kín hoặc gần hết room.
Theo Louis Nguyen, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Saigon Asset Management, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước đột phá nếu quy định về nới room được thông qua. Việc nới room cũng sẽ mở đường cho hàng tỷ đô của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào.
Tuy nhiên, ông Louis cho rằng, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam rất hấp dẫn nhưng vốn hoá thị trường còn quá nhà để các nhà đầu tư lớn có thể đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp lớn sẽ là mục tiêu chủ yếu.
Trước đó, chia sẻ trên CNBC, nhà đầu tư nổi tiếng Marc Faber cho biết, ông sẽ không “đụng” tới các cổ phiếu Trung Quốc ngay cả khi thị trường này vừa rơi tự do trong thời gian qua. Thay vào đó, ông khuyến nghị nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu cua các công ty kinh doanh sòng bài đang niêm yết trên sàn Hồng Kông và các công ty khai thác vàng.
Theo Faber, Việt Nam là một quốc gia “nổi bật” ở châu Á với các diễn biến tốt của nền kinh tế và giá cổ phiếu ở mức hợp lý. Việt Nam cũng đang ở vị thế tương tự như Trung Quốc trước đó 1 năm khi giá cổ phiếu tăng trong một thời gian dài.
Trong một báo cáo mới phát hành, công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, những vấn đề của thị trường chứng khoán Trung Quốc lại là cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.