Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định EVFTA là chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cấp, ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU lên một tầm cao mới. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đây mới là thành công bước đầu của cuộc hành trình. Để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, thách thức đặt ra chính là tạo ra môi trường, chính sách thuận lợi cho DN, nhà đầu tư.
Ngành thủy sản cần chuẩn hóa quy trình để xuất khẩu thành công sang EU |
Rút kinh nghiệm từ thực thi những FTA trước đây, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chủ động chuẩn bị các bước cần thiết, hướng tới thực thi hiệp định hiệu quả nhất. Theo đó, nhà nước có 3 nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi hiệp định; nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực “hấp thu cơ hội” của nền kinh tế Việt Nam; kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp.
Bên cạnh những biện pháp từ nhà nước, các DN cũng cần chủ động, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhằm tăng sức cạnh tranh, tận dụng đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua EVFTA. Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), điều kiện tiên quyết phải có là khao khát phát triển và sự chủ động thay đổi xuất phát từ nội tại DN. DN cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển, chủ động thích ứng với những thay đổi môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Mặt khác, phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hóa giữa các DN với nhau và với bạn hàng nói chung, đặc biệt là đối tác EU nói riêng. Chủ động, nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng, thúc đẩy quá trình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Song hành với thay đổi tư duy, DN cần chủ động đổi mới, đầu tư nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu và chiến lược kinh doanh dài hạn; nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ phục vụ tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu…
Các DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch thông tin, môi trường sản xuất... để đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu rất cao của EU về quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật. DN Việt lĩnh vực nông sản thực phẩm cần đặc biệt chú ý những tiêu chuẩn này, do sản phẩm về cơ bản chưa được người tiêu dùng EU biết đến, chưa tạo được uy tín đáng kể. Mặt khác, DN cần chủ động theo dõi tình hình thị trường, giá, các điều kiện trong giao thương để chủ động ứng phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo Bộ Công Thương, DN cần chủ động tìm hiểu và nắm vững các quy định của EVFTA, trong đó, cần lưu ý tập trung nắm vững các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có tiềm năng xuất khẩu. |