Nhu cầu huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh tăng |
Dư nợ tín dụng tăng
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra ở mức 6,7%. Với mục tiêu này, các ngân hàng thương mại (NHTM) bắt buộc phải đẩy tiền ra. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, ưu tiền nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và siết chặt lĩnh vực phi sản xuất.
Dẫn đầu về tăng trưởng dư nợ tín dụng là TP. Hồ Chí Minh. Tính đến đầu tháng 4/2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 1.557.000 tỷ đồng, tăng 22% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng của các NHTM cổ phần đạt 825,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ. Dư nợ bằng ngoại tệ đạt 147.000 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng dư nợ, tín dụng bằng đồng Việt Nam đạt 1.371.000 tỷ đồng, chiếm 90,5% tổng dư nợ. Như vậy, tổng huy động vốn tăng 11,4% so với cùng kỳ tháng trước, đạt 1.800.000 tỷ đồng.
Tương tự, NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, ngày 31/5/2017, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt 1.562.514 tỷ đồng.
Dư nợ ngắn hạn chiếm 44,1% và tăng 7,33%, dư nợ trung và dài hạn chiếm 55,9%, tăng 8,69%, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 89%, tăng 8,23%, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chiếm 11% và tăng 6,96%.
Dư nợ cho vay của NHTM nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối ước thực hiện 42.500 tỷ đồng, chiếm 41,95% tổng dư nợ; dư nợ cho vay của NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng vốn nước ngoài đạt 58.800 tỷ đồng, chiếm 58,05% tổng dư nợ.
Trong đó, dự nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh. Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 2,5%; công nghiệp và xây dựng 35%; thương mại 18%; vận tải và viễn thông 4,5%; các ngành nghề khác 40% trong tổng dư nợ.
Ngân hàng “nới” ưu đãi
Đại diện các NHTM cho biết, sở dĩ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm tăng là do các TCTD đã áp dụng nhiều biện pháp tăng trưởng nguồn vốn như: Triển khai các sản phẩm tiền gửi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ về huy động vốn để thu hút nguồn tiền gửi của dân, đồng thời tiếp cận những khách hàng là tổ chức có nguồn vốn nhàn rỗi để tăng nguồn vốn huy động. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tích cực thực hiện những biện pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất- kinh doanh.
Hiện tại, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với cho vay ngắn hạn, mức 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với vay ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai những gói ưu đãi khủng để hỗ trợ khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh. Chẳng hạn như Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa tung gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5-6,8%/năm cho kỳ hạn từ 1-11 tháng. Hay ngân hàng SHB cũng vừa tung ra 2.500 tỷ đồng cho vay với lãi suất cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn, sẽ được hưởng mức lãi suất vay đặc biệt hấp dẫn từ 8,9%/năm trong thời gian 12 tháng, biên độ lãi suất sau chương trình ưu đãi chỉ từ 3,3%/năm.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,86%, cao nhất trong vòng 6 năm qua. Nhu cầu huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cũng tăng lên và ngay từ bây giờ, các ngân hàng đều phải bảo đảm nguồn vốn dồi dào cho mùa kinh doanh cuối năm luôn “nóng” về tín dụng. |