Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó đoán định trong dài hạn
Phiên 10/11, VN-Index tăng gần 1,2%, đóng cửa tại 678,17 điểm |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và cả Việt Nam. Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, nhiều quốc gia đã gấp rút tiến hành cuộc họp khẩn để đánh giá tác động. Với các tổ chức tài chính, họ chưa định hình được tương lai, mà cần thời gian và những chính sách bằng văn bản của vị Tổng thống mới.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam nhận định, từ nay cho đến khi chính thức nhậm chức, ông Trump sẽ chưa tiết lộ những dự định chính sách của mình nên trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam chủ yếu chịu tác động về mặt tâm lý. Trong khoảng 3 tháng tới, thị trường sẽ ít biến động và VN-Index có cơ hội tăng điểm trở lại, mục tiêu trước mắt là lấy lại vùng 675 điểm. Trong thời gian này, trong nước có thể xuất hiện những thông tin hỗ trợ TTCK, kỳ vọng VN-Index tiến lên vùng 690 điểm.
Xét về dài hạn, căn cứ theo những cương lĩnh tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Trump thì có thể tính đến một số tác động tiêu cực tới thị trường. Thứ nhất, về kinh tế, ông Trump hướng đến một sự bảo hộ mới cho người dân Mỹ và vì thế, những hiệp định thương mại có nguy cơ bị tác động. Với chính sách kinh tế nhắm mạnh vào Trung Quốc và cả Việt Nam thì về mặt nào đó, Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. Nhiều khả năng, ông Trump sẽ dựng lên nhiều hàng rào bảo vệ hơn và đó là khó khăn đối với những doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ liên quan tới các ngành thủy sản, dệt may, da giày.
“Trong dài hạn, rủi ro với TTCK có thể sẽ ở mức cao khi dòng tiền thay đổi. Dự báo, vàng sẽ lên giá, còn TTCK suy giảm”, ông Bình nói.
Liệu ông Trump khi nhậm chức có thực hiện đúng các chính sách như trong những lần phát biểu tranh cử? Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, một trong những chính sách trọng tâm của ông Trump là mang việc làm về nước Mỹ, có thể bằng cách áp thuế cao từ 35 - 45% với các đối tác thương mại lớn, trong đó có Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, đang có không ít ý kiến quan ngại về các thỏa thuận thương mại tự do của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm (ông Barack Obama) như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không được ông Trump duy trì thực hiện. Thậm chí, có lần ông Trump đã tuyên bố, Mỹ có thể rút khỏi WTO. Nếu điều này xảy ra sẽ gây ra sự xáo trộn lớn đến hoạt động thương mại toàn cầu và tạo ra chuỗi bất ổn dây chuyền lên nền tài chính thế giới.
Tuy nhiên, khi chính thức điều hành nước Mỹ, ông Trump sẽ không thể siết lại cảnh cửa thương mại và bảo hộ trong nước dựa trên quyền lực áp đặt, mà sẽ có những giải pháp dung hòa hơn.
Về quan hệ thương mại song phương Việt Nam và Mỹ, giá trị hàng xuất khẩu vào Mỹ hiện chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu và bằng cả giá trị hàng xuất vào châu Âu. Tính bảo hộ cho nền sản xuất nội địa của Mỹ rất cao, đặc biệt là các hàng nông sản và thực phẩm. Mỹ luôn đặt các rào cản về thương mại, kỹ thuật thông qua thuế quan để bảo hộ nền kinh tế trong nước và trong tương lai, chính sách này dưới thời ông Donald Trump có thể sẽ khắt khe hơn. Vì vậy, Việt Nam cần có những bước chuẩn bị nâng tầm chất lượng sản phẩm và mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa để tránh lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, TTCK sẽ không bị “sốc” bởi thông tin trên và đang lấy lại sự cân bằng. Mặc dù vậy, về dài hạn, những chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam về thương mại, tỷ giá cũng như TTCK. Nếu tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian tới thì sẽ tác động đến dòng vốn ngoại vào TTCK.
Một số chuyên gia chia sẻ, tất cả vẫn đang là dự báo, sự ảnh hưởng từ việc ông Trump thắng cử cũng như dự kiến những chính sách mà ông này sẽ áp dụng là chưa thể đo đếm được vì thiếu dữ liệu và mọi thứ luôn thay đổi. Sau sự kiện Brexit, các nhà đầu tư trong nước đã bản lĩnh hơn khi không bị chi phối bởi đám đông.