Ngành công nghiệp thực phẩm: Đón đầu EVFTA Ngành công nghiệp thực phẩm: Cần phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị |
Ngày 16/7, Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Tập đoàn Masan đã nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 tại Khu công nghiệp Nam sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Đây là bước tiến quan trọng giúp Masan xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối, đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống…, chủ yếu phục vụ thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ và những vùng phụ cận.
Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan lên nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2 |
Được biết, tại Hậu Giang, Masan đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Nam sông Hậu từ năm 2015. Dự án gồm: Nhà máy bia Masan Hậu Giang và Nhà máy thực phẩm Masan Hậu Giang với tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng. Ước tính, trong năm 2022, Trung tâm này sẽ mang lại doanh thu 7.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 600 lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.670 tỷ đồng.
Tiếp nối thành công đó, Masan sẽ tiếp tục đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Tây 2 trên diện tích khoảng 46ha. Dự án gồm có nhà máy sản xuất thực phẩm, với diện tích khoảng 20,9ha; nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại, với diện tích khoảng 7,82ha, công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, với diện tích khoảng 8,95ha, công suất 400.000 tấn/năm; kho bãi, nhà xưởng cho thuê, với diện tích khoảng 8,33ha.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiều Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan cảm ơn lãnh đạo trung ương, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cùng chính quyền các cấp đã quan tâm và tạo điều kiện cho Tập đoàn Masan tiếp tục triển khai dự án trên địa bàn.
“Hậu Giang đã thực hiện rất tốt cơ chế một cửa và một cửa liên thông, giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn tỉnh nhà sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát thực hiện cơ chế này tại tất cả các cấp chính quyền nhằm hỗ trợ toàn diện cho Masan nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hậu Giang nói chung. Song song đó, tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện nâng cấp hệ thống đường bộ để thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện cho Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung tiếp cận với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, là đẩy mạnh thiết lập các cảng sông để khai thác ưu thế tự nhiên của tỉnh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua đường thủy nhằm giảm chi phí logistic” - ông Nam chia sẻ và phát biểu một số kiến nghị.