Thừa Thiên Huế: Đòn bẩy từ nguồn vốn khuyến công Khuyến công Đồng Tháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn Khuyến công Tiền Giang đồng hành cùng doanh nghiệp |
Mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, những năm qua, hoạt động khuyến công đã đưa CNNT tỉnh khởi sắc và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Đáng chú ý, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với các biện pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính tinh giản, các cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia 3,51 tỷ đồng đã kịp thời giúp các doanh nghiệp (DN) cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần phát triển CNNT.
Các cơ sở CNNT tuy có quy mô nhỏ nhưng dần mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm, đầu tư máy móc tiên tiến để theo kịp sự tiến bộ của công nghệ và nhu cầu cao của thị trường. Đến nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt 3 Đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ 550 triệu đồng; giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh tại các kỳ hội chợ do Cục Công Thương địa phương phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước trong năm 2020.
Điền hình, DN tư nhân thương mại - xây dựng Phi Long (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) nhận hỗ trợ vốn từ đề án khuyến công quốc gia 300 triệu đồng. Cùng với vốn đối ứng, DN đã đầu tư 2 máy cán tôn và chấn góc với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ DN cho biết, nhờ có máy móc mới, DN đã tăng sức cạnh tranh với các thị trường ngoài tỉnh, khách hàng địa phương cũng tăng lên so với trước đây và rút ngắn được thời gian sản xuất.
Các cơ sở CNNT được hỗ trợ cải tiến máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ảnh minh họa |
Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn cho các DN, cơ sở kinh doanh tại địa phương, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn mang tính bền vững trong đó đa dạng hóa nông sản, chú trọng phân khúc sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, công nghiệp phải gắn và hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, kêu gọi đầu tư công nghiệp có trọng tâm, đặc biệt là chế biến sản phẩm cây ăn trái. Hàng năm, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cũng tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để kịp thời phát hiện các sản phẩm chất lượng, có giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển để đề cử tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.
Đưa chính sách khuyến công đến từng cơ sở
Bên cạnh những kết quả đạt được, CNNT của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn kinh phí khuyến công những năm qua đã góp phần kích thích cơ sở CNNT phát triển, mở rộng quy mô sản xuất nhưng số lượng cơ sở được hỗ trợ chưa giải quyết được nhiều vấn đề cho khâu sản xuất hàng hóa, các DN chưa thật sự mặn mà với các chính sách hỗ trợ khuyến công. Các chính sách hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cần nhiều thời gian, thủ tục thực hiện dẫn đến nhu cầu của DN không còn phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất.
Thêm vào đó, cơ chế tiếp cận và thu thập thông tin từ các đơn vị thụ hưởng còn nhiều khó khăn, các DN còn e dè, khả năng kết nối với các chính sách không cao. Cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành công thương, nông nghiệp, liên minh hợp tác xã,... trong triển khai thực hiện các đề án khuyến công chưa chặt chẽ; tập trung huy động mọi nguồn lực của xã hội vào các chương trình còn thấp. Chính sách khuyến công chưa được thực hiện liên kết giữa các DN thành lập mới - đào tạo nghề - hỗ trợ đầu tư công nghệ và phát triển thị trường...
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang (Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang) quyết tâm cao trong công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương nhằm đưa chính sách khuyến công đến cơ sở, tạo điều kiện để DN vay vốn ưu đãi đầu tư đổi mới công nghệ; ưu tiên các chương trình, đề án phát triển công nghiệp cơ khí hóa phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương, sử dụng nhiều lao động, góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ và có thị trường xuất khẩu…
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát thực tế, hỗ trợ dự án có chọn lọc, phân công cán bộ phụ trách theo địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện. |