Cải thiện năng lực sản xuất
Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, năm 2019 cơ sở sản xuất Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp) đã mạnh dạn đầu tư máy sấy thủy, hải sản năng lượng mặt trời, với tổng vốn đầu tư 451 triệu đồng. Để khuyến khích cơ sở, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, Hậu Giang đã hỗ trợ 200 triệu đồng kinh phí đầu tư cho cơ sở. Từ khi có thiết bị mới với công suất 500kg/mẻ được đưa vào sản xuất, cơ sở đã rút ngắn đáng kể thời gian phơi sấy so với phương thức truyền thống. Đặc biệt, có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, cơ sở sản xuất đã thử nghiệm nhiều sản phẩm mới.
Từ sự trợ sức của khuyến công, năng lực sản xuất của Cơ sở Duy Khang đã được cải thiện |
Trước đó, khuyến công Hậu giang đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho cơ sở sản xuất Duy Khang (huyện Vị Thủy) đầu tư máy mài kính lá hẹ 7 đầu và máy mài kính cạnh đứng 9 đầu. Sau khi đưa vào sử dụng thiết bị mới đã cho ra sản phẩm có độ sắc nét cao, độ bóng ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, máy mài kính lá hẹ và máy mài kính cạnh đứng tuy có vốn đầu tư không cao nhưng phù hợp với quy mô, năng lực sản xuất của cơ sở, do vậy hiệu quả đạt được rất cao.
Cơ sở sản xuất Kỳ Như và Duy Khang là 2 trong số nhiều cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) cải thiện được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm từ sự trợ sức của chương trình khuyến công. Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh, từ năm 2014 - 2020, khuyến công Hậu Giang đã hỗ trợ triển khai thực hiện 57 dự án trình diễn kỹ thuật, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Trong đó, Chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 36 đề án với số vốn hỗ trợ 3,830 tỷ đồng, bình quân 5,14 đề án/năm; Chương trình khuyến công quốc gia 21 đề án, vốn hỗ trợ 4,860 tỷ đồng, bình quân 3 đề án/năm.
Một điểm chung dễ nhận thấy, phần nhiều cơ sở thụ hưởng có quy mô nhỏ, nguồn vốn hỗ trợ cũng không cao nhưng hiệu quả đạt được vượt mong đợi.
Phát huy hiệu quả đã đạt được
Đóng góp vào kết quả khả quan trong lĩnh vực cải thiện năng lực sản xuất cho các cơ sở không thể không kể tới những nỗ lực quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm CNNT. Từ năm 2014 đến nay, Hậu Giang đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp CNNT tham gia 19 hội chợ, triển lãm; tổ chức 3 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu… Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm CNNT cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia đều được ưu tiên thụ hưởng nhiều chính sách cho phát triển sản xuất và sản phẩm.
Tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, khuyến công Hậu Giang đã xây dựng nội dung hỗ trợ trọng điểm giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ vốn cho triển khai các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiến tiến trong lĩnh vực chế biến nông – lâm – thủy sản và chế biến thực phẩm; nhân rộng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ cơ sở CNNT xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Cùng đó, tỉnh cũng có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua các hoạt động: Xây dựng thương hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; xây dựng và đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác…
Để thuận lợi triển khai mục tiêu, kế hoạch đề ra, Sở Công Thương Hậu Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan kịp thời bố trí, phân bổ kinh phí cho hoạt động khuyến công hàng năm; ban hành chính sách khuyến công phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2014 - 2020, nguồn vốn khuyến công của Hậu Giang đã thu hút hơn 70 tỷ đồng vốn đối ứng của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT cho mở rộng quy mô và đồng bộ hóa dây chuyền thiết bị sản xuất. |