Cơ hội và thách thức
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc EU chọn Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ký kết FTA chứng tỏ EU đánh giá cao vai trò của Việt Nam, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, FTA này cũng chứng tỏ Việt Nam là đối tác rất đáng tin cậy trong việc thực hiện các cam kết trong FTA và thể hiện được tiềm năng của thị trường 100 triệu dân.
Để ký EVFTA, Việt Nam đã có bước tiến dài và có sự chuẩn bị trong việc cắt giảm hàng rào thuế quan rất sâu, về 0% thuế với lộ trình Việt Nam dành cho EU trong 10 năm và EU trong 7 năm với Việt Nam. Trong nhiều nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết, đều có những yêu cầu đòi hỏi những biện pháp cụ thể từ Chính phủ phải thực hiện trong bối cảnh phát triển bền vững.
Ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi từ EVFTA |
Được coi là ngành có lợi thế rất nhiều từ các cam kết của EVFTA khi thuế suất của mặt hàng này sang EU sẽ được giảm từ 11,9% về 0% trong vòng 7 năm tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, các DN dệt may đều tỏ ra rất hào hứng khi FTA được ký kết. Bà Nguyễn Phương Thảo – Trưởng phòng Thị trường 1, Tổng công ty May 10 - công ty cổ phần - chia sẻ, đối với May 10, EU là một trong hai thị trường xuất khẩu chính sau Mỹ với doanh thu xuất khẩu đạt 35% trên tổng doanh thu xuất khẩu. Bà Thảo cho rằng, EVFTA sau khi đi vào thực thi sẽ tăng tính cạnh tranh và mang lại nhiều cơ hội cho DN dệt may Việt Nam. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng doanh thu xuất khẩu của DN này sẽ tăng từ 10-15%, dự kiến đạt 45% trên tổng doanh thu xuất khẩu.
Nói cụ thể hơn về những cơ hội mà EVFTA mang lại cho ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, từ năm 2018 trở về trước, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU 700 - 750 triệu USD, nhưng năm 2019 đã mang lại tín hiệu rất tích cực khi giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 440 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cả năm kỳ vọng đạt 900 triệu USD. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, khi EVFTA được thực thi, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn nguyên liệu dồi dào, đa dạng và chất lượng cao, bảo đảm tính pháp lý từ EU. Điều quan trọng nữa là DN còn có cơ hội rất thuận lợi để tiếp cận nguồn thông tin về thiết bị, thị trường, công nghệ của EU. "Như vậy, chúng ta có đủ căn cứ để tin rằng, đến năm 2020 DN ngành gỗ của Việt Nam sẽ có khả năng xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 1 tỷ USD trở lên", ông Quyền nhận định.
Trên thực tế, việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.
DN cần làm gì?
EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho DN hai bên. Tuy nhiên, EVFTA chỉ thành công khi DN là trung tâm của hiệp định này. Theo đó, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.
EU là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ nên DN Việt cần chú trọng hơn đến sản phẩm của mình. Theo nhận định của các chuyên gia, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các DN cần nắm bắt cả thông tin thị trường lẫn cam kết hội nhập để qua đó đánh giá, phân chia chiến lược, kế hoạch theo hướng tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu cao nhất rủi ro. "Quan trọng là để tận dụng được cơ hội thì phải thực hiện hiệp định bằng sự tuân thủ", chuyên gia này nhìn nhận,
Theo ông Thành, tuân thủ được hiểu với ba hàm nghĩa. Thứ nhất là tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, nguyên tắc xuất xứ, nội địa hóa, kết nối phân phối… mới được hưởng ưu đãi thuế về 0%. Thứ hai, phải có chi phí về vấn đề đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến các vấn đề pháp lý để bảo vệ quyền lợi, xử lý tranh chấp. Điều này có thể khó đối với các DN nhỏ và vừa nhưng nhà nước vẫn có thể hỗ trợ. Thứ ba là vai trò của các hiệp hội DN trong việc kết nối, và tất nhiên việc kết nối phải thật sự bài bản và chuyên nghiệp.
EU từ trước tới nay vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu lợi thế thường được điểm tên vẫn là cà phê, thủy sản, da giày, dệt may, đồ gỗ… EVFTA được thực thi sẽ chắp cánh cho hàng Việt Nam sải rộng hơn tại thị trường này. |
Kỳ II:Sẵn sàng kế hoạch hành động