Hiệu quả thiết thực
Dưới tác động tích cực của các chính sách mới, nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô lớn tại Việt Nam hướng tới thị trường khu vực đã được khởi công và hoàn thành. Cụ thể, sau 2 năm ban hành, Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô góp phần ổn định thị trường, giúp các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô yên tâm duy trì hoạt động tại Việt Nam. Minh chứng cho sự thành công này là sự kiện Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu được ôtô nguyên chiếc sang ASEAN...
Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT được đánh giá phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện, số DN đang hoạt động trong ngành CNHT khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày; chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực; có sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, Quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025 đã mang lại nhiều cơ hội cho DN CNHT tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về thị trường, kết nối kinh doanh, tư vấn cải tiến, đào tạo và đổi mới công nghệ…
Phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đưa ra định hướng phát triển và ban hành các chính sách nhằm duy trì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, ôtô, điện tử...
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ DN công nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt là các DN CNHT. Riêng đối với Nghị định 111/2015/NĐ-CP vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc, bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Đó là các nội dung liên quan đến sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT, đối tượng được hưởng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT, tính đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật.
Với những bất hợp lý này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - đơn vị trực tiếp soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP - dự kiến sẽ mở rộng đối tượng ưu đãi của nghị định này. Theo đó, danh mục sản phẩm CNHT sẽ được mở rộng thành danh mục sản phẩm CNHT và các công nghệ CNHT ưu tiên phát triển. Việc mở rộng này nhằm để chính sách có thể đáp ứng đúng đối tượng là DN đang sản xuất CNHT.
Học hỏi từ kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Bộ đã và đang triển khai việc thành lập các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại những vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo cho DN công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia về nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng năng lực cho DN trong nước kết nối kinh doanh, đào tạo đội ngũ tư vấn viên... Qua đó, giúp các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung vào giải pháp: Xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT; bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn có vai trò quan trọng phát triển CNHT; thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư dự án quy mô lớn tại Việt Nam. |