CôngThương - Xin ông cho biết một số kết quả của việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua?
Ông Lê Văn Dành - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai |
Đồng Nai là tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Chủng loại sản phẩm nông nghiệp khá đa dạng. Trong lĩnh vực trồng trọt có cả cây công nghiệp lâu năm và cây ngắn ngày, rau, quả… Ngoài ra, Đồng Nai còn là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước.
Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản theo hướng hình thành chuỗi liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thí điểm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trước mắt, trong năm 2014, tỉnh chọn các sản phẩm xoài, thanh long, mía, ca cao, tiêu, cà phê và chọn một số doanh nghiệp để triển khai thí điểm xây dựng chuỗi liên kết.
Đối với cây xoài, tỉnh đã giao Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) xây dựng đề án liên kết giữa doanh nghiệp với Hợp tác xã xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc và các địa phương có diện tích xoài lớn của tỉnh để xuất khẩu trái xoài tươi và các sản phẩm xoài chế biến. Trong đó, các nội dung cần tập trung là giải pháp về nguồn vốn, đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến và liên kết nông dân xây dựng vùng nguyên liệu…
Riêng đối với việc xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong phát triển vùng nguyên liệu cây ca cao, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, huyện Định Quán, sẽ làm đầu mối thu mua, đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Năm 2013, tổng sản lượng trái ca cao tươi mà công ty mua được tại 3 huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất là 625 tấn. Hiện công ty đang đầu tư mạnh vào khâu chế biến các sản phẩm từ ca cao, như: Rượu, bột, socola…
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE)... nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực. Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây như chôm chôm, măng cụt, mít, chuối… với sản lượng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2013 Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước 6.000 tấn xoài; dự kiến năm 2014 tăng lên 10.000 tấn; mức tăng trung bình nhập khẩu xoài khoảng 50%/năm.
Để xâm nhập ngày càng sâu rộng thị trường Hàn Quốc, Dofico đã hợp tác, liên kết với Công ty Nam Sa và một số doanh nghiệp khác của Hàn Quốc. Trước mắt hai bên đã ký kết hợp tác trong dịch vụ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản, vốn là thế mạnh của Đồng Nai. Cụ thể, Công ty Nam Sa đã hợp tác với Dofico để trồng thử cỏ Italian Rygrass nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đang rất thiếu tại Hàn Quốc. Bước đầu, việc hợp tác này đã cho kết quả tốt và Dofico đã mở rộng diện tích trồng loại cỏ này lên 350ha.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang xúc tiến hợp tác với Dofico và các doanh nghiệp khác trong việc xuất khẩu nông sản, súc sản, thủy, hải sản vào Hàn Quốc. Cụ thể, Công ty thực phẩm G.C tại khu công nghiệp Giang Điền đã làm việc với đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Hàn Quốc để xuất khẩu các sản phẩm nha đam vào thị trường này.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương đã tích cực tham gia các chương trình kết nối cung- cầu với TP. Hồ Chí Minh để đưa các loại hàng hóa nông sản của Đồng Nai tiêu thụ tại thị trường thành phố như: Trứng gia cầm, nấm, rau, trái cây sấy, rượu ca cao, rượu nhung hưu, nha đam...
Hai Sở Công Thương Đồng Nai và Bình Phước đã tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào chợ đầu mối và doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản Bình Phước- Đồng Nai”, thu hút gần 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại của hai tỉnh tham dự.
Nhằm thực hiện hiệu quả chuỗi sản phẩm liên kết, tỉnh Đồng Nai đã triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Chính phủ cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân, tổ hợp tác, trang trại hình thành cánh đồng lớn, tỉnh Đồng Nai đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản theo tiêu chí cánh đồng lớn và dự kiến mức hỗ trợ đối với các dự án này thấp nhất là bằng mức hỗ trợ của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp danh sách các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, tổ hợp tác đang sản xuất các mặt hàng xoài, điều, tiêu, cà phê, chôm chôm, sầu riêng, ca cao, thanh long, bắp, mì, mía, rau và gà, heo để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với đơn vị sản xuất thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết. Các huyện chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… để làm đầu mối tiếp xúc với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh công khai và minh bạch các thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo nguồn lực cho việc triển khai các chuỗi liên kết.
Việc hình thành chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chắc chưa hết khó khăn?
Dù chủ trương đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã có từ lâu nhưng những mô hình liên kết thành công vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân lớn nhất hiện nay là việc sản xuất theo hộ gia đình, nông dân vẫn manh mún, nhỏ, lẻ nên doanh nghiệp ngại đầu tư. Ngoài ra, còn thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia. Sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, bấp bênh...
Đối với tỉnh Đồng Nai, do chỉ mới triển khai thí điểm đối với một số sản phẩm, nên chưa thể đánh giá hết được những thành công, hạn chế cũng như hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, qua kết quả bước đầu có thể thấy việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã ... đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu.
Thời gian tới, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sự tích cực triển khai thực hiện của các sở, ngành, địa phương, chuyển biến về nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu thụ, chắc chắn sẽ từng bước hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.
Xin cảm ơn ông!