Bốn giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững Thanh niên Quản lý thị trường với pháp luật về thương mại điện tử |
Tiếp cận linh hoạt, sáng tạo trên nền tảng số
Trong 4 ngày, từ ngày 04/04 đến ngày 07/04/2023, tại tỉnh Sơn La, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số và Trung tâm Phát triển thương mại điện tử) phối hợp với UBND thành phố Sơn La, Sở Công Thương tỉnh Sơn La tổ chức chuỗi Hội nghị tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố Sơn La và Huyện Yên Châu (thuộc tỉnh Sơn La).
Bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La |
Chuỗi hội nghị tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, hiểu hơn về kỹ năng số và các sàn thương mại điện tử.
Tại Hội nghị, các chuyên gia từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các diễn giả cung cấp những thông tin hữu ích về các giải pháp của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử Goonline cũng như trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh tiến hành thực hành đăng ký, mở gian hàng, lập tài khoản, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; hướng dẫn tham gia bán hàng trên nền tảng xã hội…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La khẳng định, công nghệ thực sự là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Để phát huy tầm quan trọng của chuyển đổi số các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ bản chất, tầm quan trọng, tiếp cận linh hoạt, sáng tạo trên nền tảng số để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, để ứng dụng tốt công nghệ điện tử trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế số, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các đại biểu tham dự tập trung và lĩnh hội đầy đủ các nội dung mà các chuyên gia, giảng viên truyền đạt tại Hội nghị để bổ sung, cập nhật kiến thức cần thiết trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển Dự án, Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, sự thay đổi lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay trên các tỉnh thành của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp Sơn La đứng vững và phát triển.
Hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử GoOnline () được Bộ Công Thương giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai nhằm cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số như: tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất (các giải pháp quản lý nhân sự, quản lý công việc, thư điện tử,...); tiết kiệm chi phí quản lý và sản xuất (quản lý dây chuyển sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý kênh bán hàng); thúc đẩy doanh số bán hàng (quảng cáo trực tuyến, bán hàng đa kênh, phát triển thương hiệu số...).
Ông Dương Văn Quý, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Midori Việt Nam chia sẻ về giải pháp tem truy xuất của Cục TMĐT và KTS cấp thông tin định danh độc nhất được gắn trên sản phẩm rượu Gồ. |
Những giải pháp tham gia Chương trình được cung cấp bởi các doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương chọn lọc, đánh giá trước khi cung cấp tới doanh nghiệp. Tính đến nay, Chương trình đã có 20 doanh nghiệp với gần 50 giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số và thương mại điện tử tham gia.
Tại Hội nghị này, đại diện Accesstrade (Công ty về nền tảng tiếp thị liên kết) cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh các thông tin, cách thức liên quan đến quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh như: Tiktok, zalo,…; Kỹ năng triển khai xác định chủ đề, đối tượng khách hàng, định vị kênh và nội dung kịch bản để phù hợp với sản phẩm; Xây dựng quy trình, chức năng và liên kết tài khoản tiktokshop, zalo,….
Bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp
Nhằm góp phần chấm dứt nỗi lo hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ công nghệ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp phát triển các sản phẩm trong giao dịch thương mại điện tử, mới đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng và đi vào vận hành hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode trong thương mại điện tử tại địa chỉ //truyxuat.gov.vn/.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Trần Trí, đại diện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã giới thiệu cho doanh nghiệp và bà con về tiện ích của ứng dụng này trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ông Trí cho biết, ứng dụng náy có thể giải quyết được vấn đề bà con đang lo ngại, chính là cảnh báo hàng giả tức thời cho doanh nghiệp và khách hàng bằng cách giới hạn lượt quét của tem chính hãng phân quyền quản lý rõ ràng giữa nhà máy sản xuất, nhà phân phối. Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…
“Việc xây dựng hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode này giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh nguồn gốc của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng mà còn là “bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp" - ông Trí cho biết thêm.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Đại diện một doanh nghiệp đang sử dụng giải pháp truy xuất này của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Dương Văn Quý, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Midori Việt Nam chia sẻ: Ngay từ đầu công ty của tôi luôn nhận thức phải tìm kiếm 1 giải pháp để đảm bảo uy tín cũng như tính chuyên nghiệp cho sản phẩm rượu của mình. Tôi cũng đã có tìm hiểu rất nhiều các đơn vị khác cung cấp các giải pháp về tem truy xuất và thực sự không thấy sự khác biệt hay tính năng như tôi mong muốn.
Giải pháp tem truy xuất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cấp thông tin định danh độc nhất được gắn trên sản phẩm rượu Gồ. Người tiêu dùng có thể quét mã sản phẩm hoặc nhập thông tin vào website để kiểm tra thông tin và nguồn gốc sản phẩm rượu Gồ.
Giải pháp này đã giúp cho công ty của tôi phát hiện ra những sản phẩm giả, hàng nhái hoặc hàng giả mạo có thể gây hại cho người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp.
Bộ tem được phủ bạc và chỉ quét được duy nhất 1 lần. Khi quét lần 2 sẽ nhận được thông báo tem này đã được sử dụng. Do đó, tôi rất yên tâm cho các sản phẩm rượu Gồ đã dán bộ tem này mà không sợ bị làm giả.
Những trao đổi cởi mở về khó khăn, vướng mắc trong triển khai, những kinh nghiệm thành công trong ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử tại các doanh nghiệp đã tạo nên sự kết nối đầy ý nghĩa của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp, bà con đã mạnh dạn, háo hức và sẵn sàng lập tài khoản bán hàng ngay tại Hội nghị để kết nối, quảng bá và giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh phân phối mới, giúp ổn định đầu ra cho các sản phẩm nhất là sản phẩm đang vào vụ thu hoạch sắp tới của tỉnh là trái mận.
Trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số và Trung tâm Phát triển thương mại điện tử) sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kết nối với doanh nghiệp tại các địa bàn khác trên khắp cả nước nhằm khơi thêm nguồn động lực phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.