Hỗ trợ người nước ngoài tham gia Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được bảo đảm quyền lợi |
Rút ngắn thời gian cấp phép
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Hiện, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó, đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90%).
Các thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn, theo Thông tư số 35/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương, việc di chuyển trong 11 ngành dịch vụ sẽ được miễn cấp giấy phép lao động. Tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP. Hồ Chí Minh về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó trưởng Phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh) - cho rằng, di chuyển nội bộ phải hiểu theo hai vấn đề: Thứ nhất, di chuyển từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam; thứ hai, phải làm việc tại công ty mẹ ít nhất 12 tháng mới đủ điều kiện di chuyển nội bộ, các doanh nghiệp phải chuyển cho Sở LĐ-TB&XH xác nhận đối tượng này sẽ không thuộc cấp giấy phép lao động theo quy định.
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, với thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Nghị định 11/2016/NÐ-CP, nghị định mới đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày, kể từ ngày Sở LĐ-TB&XH nhận đủ hồ sơ.
Hồ sơ xin cấp phép lao động chỉ còn yêu cầu bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị, không yêu cầu phải chứng thực như trước đây. Đồng thời, thêm trường hợp tiếp nhận người lao động nước ngoài là thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép, người sử dụng lao động không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Bảo đảm quyền lợi
Hiện nay, người nước ngoài chưa tham gia BHXH tại Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành. Điểm mới đáng chú ý, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP.
Từ ngày 1/12/2018 - 31/12/2021, người lao động nước ngoài không phải đóng BHXH bắt buộc. Từ ngày 1/1/2022, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có trách nhiệm đóng 8% mức tiền lương, tiền công tháng ghi trên hợp đồng lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương đương với người Việt Nam.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, để hỗ trợ người nước ngoài tham gia BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam sẽ tham gia cùng Bộ LĐ-TB&XH đàm phán với các đối tác liên quan để thực hiện hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới. “Song song với triển khai Nghị định số 143/NĐ-CP, nếu có các hiệp định song phương, sẽ hỗ trợ rất tốt cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi tham gia BHXH. Đây cũng là quyền lợi mà người lao động nước ngoài ở Việt Nam sẽ được hưởng” - ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài, theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. |