Nghiệm thu dây chuyền sản xuất chè nhúng tự động của doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương |
Giai đoạn 2013-2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La (trung tâm) đã hỗ trợ đào tạo nghề chế biến khoáng sản và tinh bột sắn cho 120 lao động; thực hiện nhiều hoạt động phát triển sản phẩm CNNT. Trung tâm cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội truyền nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm, đan lưới, sản xuất, sửa chữa dụng cụ nuôi thả, đánh bắt thủy sản cho 70 lao động trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Quỳnh Nhai...
Đặc biệt trong 3 năm qua, trung tâm đã triển khai, nghiệm thu, quyết toán nhiều đề án hỗ trợ cơ sở CNNT đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đây là nội dung được đánh giá cao về tính thiết thực, hiệu quả.
Những năm qua, khuyến công Sơn La đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, quảng bá phát triển sản phẩm… tạo lực đẩy cho các cơ sở CNNT phát triển. |
Tiêu biểu, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương, ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè Ô long cao cấp và chè túi nhúng xuất khẩu. Thực hiện đề án, doanh nghiệp đã đầu tư mua máy đóng gói chè túi nhúng tự động công suất 30-50 túi/phút. Thiết bị tự động định lượng, tự động đóng túi, bao túi ngoài, hàn mép túi và ra thành phẩm. Sản phẩm tạo ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần chè Ô long vo viên cũ của doanh nghiệp. Theo ghi nhận từ đối tượng thụ hưởng, việc áp dụng thiết bị đóng gói tự động không những nâng công suất chung của toàn bộ dây chuyền sản xuất mà còn giúp giảm các loại chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, trung tâm cũng tích cực hỗ trợ các cơ sở tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu nhằm tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chia sẻ về hiệu quả của hoạt động này, bà Đỗ Thị Thoa - Phó giám đốc Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu - cho hay: Chè Ô long của công ty được trồng trên độ cao 1.050m so với mặt nước biển, sản xuất theo quy trình VietGAP nên chất lượng rất tốt. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan. Tuy nhiên, tiêu thụ tại thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng. Để mở rộng thêm thị trường nội địa dự phòng trường hợp xuất khẩu gặp khó khăn, công ty thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu do Sở Công Thương tỉnh tổ chức. Hiện số người tiêu dùng trong nước đã biết tới và sử dụng chè Mộc Châu nhiều hơn.
Từ những hiệu quả đã đạt được, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh hơn nữa vai trò công tác khuyến công trong phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Chú trọng quản lý, kiểm tra theo dõi việc truyền nghề, thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội trong hoạt động truyền nghề cho các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ trong sản xuất.