Học Bác, nêu cao trọng trách người đứng đầu trong phát huy ý chí tự lực tự cường
“Học Bác, điều quan trọng là người đứng đầu các cấp ủy phải là người tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển; từ đó phải bắt tay vào hành động và truyền cảm hứng. Một điều quan trọng khác là để phát huy được ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng bằng được môi trường dân chủ, nhân văn, sáng tạo; để mọi ý tưởng, mong muốn sáng tạo đều được trân trọng, được tạo điều kiện để thực hiện”- GS. TS. Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, người truyền đạt chuyên đề 2021 nói.
Chuyên đề 2021 có nội dung: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Có thể nói ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mac-Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cuộc đời, Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường là:
Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Thứ hai, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng.
Thứ ba, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân.
Thứ tư, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.
GS. TS. Phùng Hữu Phú làm rõ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực tự cường |
Những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là: Thứ nhất, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thứ hai, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.
Thứ ba, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác
Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- GS.TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Các đại biểu Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương |
Có gần 300.000 đảng viên dự hội nghị tại các điểm cầu |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hội nghị về sơ kết Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII sáng 12/6/2021 và Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chiều 12/6 đã diễn ra rất thành công và có gần 300.000 đảng viên tham dự tại tất cả các điểm cầu mỗi hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, cần tạo chuyển biến ở 3 nội dung: đổi mới viêc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới và thể hiện đột phá trong việc làm theo; việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng phải nêu gương”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh các công tác triển khai sau Hội nghị |
Với tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt tinh thần Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" diễn ra vào sáng ngày 12/6, nhất là quán triệt sâu sắc bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện tốt những nội dung. Một là, phải xác định, nghiên cứu, tiếp thu sâu sắc những nội dung của chuyên đề, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung giáo trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về ý chí tự lực, tự cường khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đây cũng là nội dung cốt lõi trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đó là tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là động lực, là nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa và nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo các cấp phải chủ động làm tham mưu giúp cho cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hằng năm có công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện từ cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Muốn học tốt và muốn làm tốt, muốn nêu gương tốt thì không những triển khai mà phải đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra thực tiễn. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chỉ đạo xác định các nội dung yêu cầu và các đơn vị, địa phương mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ có kiểm tra thực hiện trong năm 2021 xoay quanh việc thực hiện Chỉ thị số 05.
Ba là, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy các cấp chủ động sáng tạo, đổi mới hình thức học tập, tuyên truyền, song phải bảo đảm chất lượng, thiết thực và hiệu quả.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, làm tốt việc học tập từ xác định nội dung, xác định hình thức, xác định phương pháp, xác định đối tượng, xác định mục tiêu cụ thể, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với chức trách, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình từng địa phương để xác định các nội dung và cụ thể hóa các nội dung chuyên đề sao cho phù hợp, hiệu quả và thiết thực.