Kỳ vọng và tín hiệu khả quan
Đánh giá về tác động của EVFTA tới xuất khẩu đối với ngành nông nghiệp sau hơn 2 tháng thực thi (kể từ 1/8/2020), ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang EU tháng 8/2020 đã tăng 6% và tháng 9 đã tăng 20% so với tháng 7/2020. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang EU rất hồ hởi về triển vọng và cơ hội đang mở rộng. Ở chiều ngược lại, các DN của EU cũng đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó DN của Hà Lan, Đan Mạch đã mở dự án hiện đại về chăn nuôi áp dụng mô hình công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ ở vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn.
Theo ông Tuấn, tiềm năng từ EVFTA còn rất lớn đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam không chỉ về thương mại (xuất khẩu…), mà còn kỳ vọng lớn mạnh lên với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao về môi trường, phát triển bền vững, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện lao động… Bộ NN&PTNT Việt Nam kêu gọi các DN EU tiếp tục hợp tác với các DN Việt Nam mở rộng đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Việc thành lập EVBC là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng DN hai bên, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác khai thác hiệu quả hơn các cơ hội EVFTA mang lại cho cả hai bên.
Lễ ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - EU. Ảnh NQ |
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt (một DN xuất khẩu đồ gỗ vào EU), chia sẻ: Từ khi EVFTA có hiệu lực, DN thấy EU là một thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu đồ gỗ. EVBC ra đời, là một cầu nối rất tốt cho DN khi cần giúp đỡ về thông tin, cách thức tiếp cận thị trường, sẽ là nơi cho các DN tìm đến để nắm bắt, tìm hiểu các cam kết EVFTA, kết nối giao thương và tìm kiếm đối tác để hợp tác xuất khẩu hàng hóa.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một trong những ngành hàng được cho là có thể hưởng lợi nhiều từ EVFTA, cho biết, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng rất lớn vào EVFTA vì thị trường EU đã có nền tảng phát triển ổn định từ lâu. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA, ngành dệt may Việt Nam phải giải quyết được 3 thách thức, gồm: Thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào, nhất là đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa có xuất xứ Việt Nam; đại dịch Covid-19 tác động đã khiến các đối tác nhập khẩu của EU thay đổi phương thức đàm phán, thanh toán và mua hàng; tiêu chuẩn với các sản phẩm dệt may Việt Nam vào EU đòi hỏi các DN phải đầu tư xanh hóa, phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… đòi hỏi phải có hiện đại, trong đó phần lớn sử dụng công nghệ của EU. EVBC là một cơ chế rất tốt cho DN hai bên tăng cường hợp tác. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn, trong cơ cấu tổ chức EVBC nên mời các DN, hiệp hội trong lĩnh vực dệt may tham gia để hỗ trợ hai bên tương tác trực tiếp.
Sứ mệnh của EVBC
Đó là xây dựng một cơ chế tham vấn song phương, đóng vai trò một nền tảng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam và EU đối thoại trực tiếp với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan hai bên nhằm đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, chia sẻ thông tin về các qui định pháp luật liên quan đến EVFTA; hỗ trợ DN hai bên tận dụng lợi thế từ EVFTA để kinh doanh và đầu tư hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam - EU trao đổi thông tin. Ảnh NQ |
Mục tiêu EVBC đặt ra là, thúc đẩy hỗ trợ chính sách, đối thoại và điều phối thông tin, quảng bá, hỗ trợ, dự đoán và kiến nghị chính sách, pháp luật có khả năng ảnh hưởng đến thực thi EVFTA. Đánh giá, kiến nghị các vấn đề thực thi EVFTA có thể được đưa ra bởi các thành viên của các bên, đóng vai trò là kênh trao đổi và đưa các vấn đề này tới cơ quan chức năng hai bên.
Xây dựng và thống nhất các chiến lược, hoạt động phù hợp, thu thập các thông tin liên quan nhằm giảm thiểu rào cản (pháp luật, khó khăn thực tế…) ảnh hưởng đến thay đổi tích cực về khung pháp lý của hai bên cũng như trong việc áp dụng và thực thi EVFTA. Khuyến khích và phân tích sáng kiến phục vụ cho việc thúc đẩy áp dụng và thực thi EVFTA. Xem xét khả năng cùng phối hợp hoặc hợp tác song phương trong các dự án thuộc phạm vi lợi ích của các thành viên tương ứng của các bên theo EVFTA.
Báo cáo các kiến nghị chung lên các cơ quan chính phủ hai bên để áp dụng và thực thi EVFTA. Xây dựng chương trình hành động hiệu quả, cụ thể và có thể lượng hóa được nhằm quảng bá thực hiện EVFTA. Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU - Việt Nam hàng năm nhằm quảng bá hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch thường trực VCCI - cho biết: EVBC ra đời xuất phát từ mong muốn hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam và EU có thể “nhập làn cao tốc EVFTA” hiệu quả. EVBC sẽ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN hai bên thực thi EVFTA, là cầu nối đưa tiếng nói của DN đến với Chính phủ vá các cơ quan chức năng EU và Việt Nam.
Ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham - cho rằng, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam (một thị trường tiềm năng hấp dẫn nhất thế giới) với EU (một khối thương mại lớn nhất thế giới) ngày càng phát triển. Thực thi EVFTA thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng DN hai bên. EuroCham tự hào đã cùng VCCI thành lập EVBC, cam kết tái khẳng định hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với VCCI để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư EU - Việt Nam ngày càng phát triển.