CôngThương - Với mục tiêu đảm bảo cơ hội và sự thành công trong việc phát triển, cấp vốn, đầu tư cho các dự án điện năng tại Việt Nam, Hội nghị đã bàn thảo hàng loạt chủ đề liên quan tới việc phát triền, đầu tư, tư vấn, kinh doanh, tiêu thụ trong ngành điện.
Cụ thể là các chính sách và các quy định trong thu hút FDI vào ngành điện; Cấu trúc các Nhà máy điện độc lập tại Việt Nam có thể được ngân hàng chấp nhận; Giải pháp tài chính tối ưu cho các dự án điện BOT; Cách giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển và thực hiện dự án; Các lưu ý khi đầu tư vào các lĩnh vực điện, nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo tại Việt Nam... Đặc biệt, những vấn đề xung quanh thực trạng ngành điện Việt Nam và cơ hội phát triển trong tương lai, quy định thu hút vốn FDI vào ngành điện, vấn đề tiêu thụ điện trong ngành công nghiệp, thương mại và dân dụng. Việc tiếp cận, đầu tư vào năng lượng giá, năng lượng sinh khối, những thách thức đối với khu vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam…
Nhằm đối phó với vấn đề an ninh năng lượng ngày càng gay gắt, Việt Nam đang đưa vào hoạt động nhiều dự án điện nhằm tăng cường nguồn năng lượng điện cho tương lai cũng như đề xuất những ý tưởng mới nhằm tự do hóa ngành điện với những nhà máy điện độc lập.
Theo kế hoạch, EVN đang tiến tới tư nhân hóa các nhà máy điện, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhằm kêu gọi đầu tư vào ngành điện. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang triển khai đầu tư xây nhà máy điện tại Việt Nam. Điển hình là nhà đầu tư Jaks Resouces Bhd (Malaysia) đang đầu tư vào dự án Nhiệt điện 600 MW tại tỉnh Hải Dương, dự kiến nhà máy 600MW đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào quý IV/2014. Nhà đầu tư Janakusa (Malaysia) cũng đang triển khai dự án Duyên Hải 2 tại Trà Vinh với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, công suất 1.200MW.
Nếu tiến độ của các dự án trên thực hiện đúng kế hoạch thì khả năng ngành công nghiệp sẽ nhận thêm số vốn không nhỏ. Bên cạnh đó là các Dự án Công ty TNHH điện lực AES - TKV Mông Dương xây dựng Nhà máy Nhiệt điện tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD. Các dự án trên dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% nhu cầu điện năng cho lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng của ngành công nghiệp Việt Nam.
Trong mười năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ xây dựng 95 nhà máy điện với tổng công suất 49.044 MW và tổng vốn đầu tư 39,58 tỷ USD, khẳng định một giai đoạn mới của đầu tư nước ngoài vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.