Hội nhập kinh tế Đông Á: Những bước phát triển mới
- Cơ chế Đông Á ASEAN+3 này đã thể hiện vai trò nổi bật trong việc triển khai Sáng kiến Chiềng Mai, thiết lập quỹ dự trữ ngoại hối chung trị giá 120 tỷ USD để giúp các nước đối phó với tình trạng mất cân đối tạm thời về ngoại tệ. Đây là một trong những Chương trình hợp tác có hiệu quả cao, đã góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ASEAN.
Trong thời gian gần đây, hợp tác ASEAN+3 trở nên sống động và thực chất hơn với sự tham gia tích cực của các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi ASEAN hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc (2005), Hàn Quốc (2006) và Nhật Bản (2008) thì hợp tác ASEAN+3 đã có đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới, sâu hơn, trong đó có việc kiến tạo một FTA chung cho cả khu vực ASEAN+3.
Theo hướng đó, ngay từ năm 2004, Nhóm nghiên cứu về Khu vực thương mại tự do Đông Á (EAFTA) đã được thành lập để đánh giá tác động và định hướng các chương trình hợp tác nhằm hướng tới việc thiết lập EAFTA. Nhóm nghiên cứu EAFTA đã hoàn thành báo cáo và dự báo việc thiết lập EAFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp tăng GDP của các nước Đông Á thêm ít nhất 1,2%. Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, EAFTA sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng GDP gần 3000 tỷ USD và lượng người tiêu dùng lên tới gần 2 tỷ.
Bên cạnh tiến trình ASEAN+3, thời gian gần đây đã xuất hiện một sáng kiến hợp tác mới, mang tính mở, là cơ chế hợp tác Đông Á “mở rộng” hay ASEAN+6. Cơ chế này hình thành dựa trên ý tưởng mở rộng ASEAN+3 để bao gồm thêm Ấn Độ, Úc và Niu-di-lân. Khu vực Đông Á "mở rộng" này bao gồm những nền kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm trên 50% dân số và gần 30% GDP của thế giới.
Xét về mục tiêu, phạm vi và phương thức hoạt động, hợp tác ASEAN+6 có nhiều điểm tương đồng với cơ chế ASEAN+3 nhưng nhìn chung các hoạt động hợp tác còn ở mức lỏng lẻo hơn. Nhật Bản, Úc, Niu-di-lân và Ấn Độ đang ngày càng quan tâm hơn đến cơ chế Đông Á “mở rộng”. Sau khi ASEAN hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định FTA với Úc và Niu-di-lân (2009) và Ấn Độ (2010), các nước dường như đã có thêm động lực để tăng cường hợp tác kinh tế và theo đuổi mô hình ASEAN+6.
Các bên đã nhất trí thiết lập Viện nghiên cứu kinh tế Đông Á và Đông Nam Á (ERIA) để hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực hội nhập và nghiên cứu các vấn đề hợp tác Đông Á “mở rộng”. Bên cạnh đó, các bên cũng đã thiết lập Nhóm nghiên cứu về Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA) để đánh giá tác động của một khu vực thương mại tự do Đông Á "mở rộng" (ASEAN+6).
Việc tồn tại cùng lúc cả hai cơ chế Đông Á cho thấy sự cạnh tranh về mặt ý tưởng giữa các nước đối tác của ASEAN. Lựa chọn tiến trình nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu thế và định hình cấu trúc hợp tác kinh tế tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, có thể thấy dù là Đông Á hay Đông Á "mở rộng", ASEAN vẫn sẽ luôn là điểm giao thoa. Điều này giúp ASEAN phát huy và củng cố "vai trò trung tâm" của mình trong việc định hướng, dẫn dắt các tiến trình hợp tác chung.
Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng ASEAN nên “đồng bộ hóa” các FTA song phương giữa ASEAN với các đối tác Đông Á để giảm tới mức tối đa sự khác biệt về các quy tắc thực thi các FTA này. Sự tồn tại đồng thời của 5 FTA song phương giữa ASEAN với 6 nước Đông Á vô hình chung đang tạo nên sự “phức tạp” trong quá trình thực thi, làm cho lưu chuyển hàng hóa và vốn đầu tư giữa các quốc gia Đông Á bị đứt đoạn và phân mảnh một cách không đáng có.
Chính vì vậy, từ năm 2010, ASEAN đã thiết lập cơ chế riêng để đánh giá và nghiên cứu 2 khuôn khổ ASEAN+3 và ASEAN+6, bắt đầu từ 4 lĩnh vực là hài hòa biểu thuế, hài hòa quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và hợp tác kinh tế. Đây là hướng đi tương đối thận trọng nhưng cần thiết bởi nó cho phép ASEAN có thời gian cân nhắc, lựa chọn một cơ chế hợp tác có lợi nhất, đồng thời vẫn củng cố và phát huy được vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành.
Đối với Việt Nam, Đông Á là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 30 tỷ USD, tương đương 48% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đông Á cũng là nguồn cung cấp chính đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho Việt Nam. Tính đến hết tháng 11 năm 2009, FDI của các nước Đông Á vào Việt Nam đạt 88 tỷ USD vốn đăng ký và 26 tỷ USD vốn thực hiện, chiếm lần lượt 53% và 47% tổng vốn đăng ký và thực hiện của Việt Nam. Đây là nguồn tài trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm qua và trong thời gian tới đây.
Nghiên cứu dự báo tác động của hội nhập kinh tế Đông Á cho thấy lợi ích dài hạn đối với Việt Nam là khả quan. Các tính toán kinh tế lượng cho thấy Việt Nam là nước có nhiều cơ hội hưởng lợi khi thị trường khu vực được mở rộng. Theo kịch bản nghiên cứu về tác động của EAFTA và CEPEA, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm tương ứng 1,6 và 1,61%.
Thậm chí, với kịch bản kết hợp giữa tự do hóa và thúc đẩy hợp tác và tạo thuận lợi cho thương mại, EAFTA và CEPEA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm tương ứng 10,79% và 11,04%. Đây là mức tăng trưởng khả quan nhất trong số tất cả các nước ASEAN và 6 nước Đông Á.
Hợp tác Đông Á vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng đã khá sôi động. Lựa chọn ASEAN+3 hay ASEAN+6 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc hợp tác khu vực trong tương lai.
Trong quá trình này, ASEAN cần đóng vai trò trung tâm và cần có sự nghiên cứu thấu đáo để lựa chọn mô hình thích hợp nhất. Riêng với Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều kỳ vọng vào khả năng tự điều chỉnh của nền kinh tế, từ đó tận dụng lợi thế so sánh để đạt được lợi ích lớn hơn trong một khu vực thương mại tự do rộng hơn.
Vụ Chính sách thương mại đa biên