Chiến dịch Tây Nguyên trong ký ức người cựu chiến binh Hà Giang: Cựu chiến binh thu lãi 1 tỷ đồng mỗi năm từ mô hình VAC Những cựu chiến binh Bảo Thẳng xung kích trên trận tuyến mới |
Chiến tranh đã lùi xa, những mảnh đất bom đạn cày xới giờ đây đã căng tràn sức sống nhưng trong ký ức của những người lính đã kinh qua một thời hoa lửa, dường như họ không thể nào quên những ngày cùng đồng đội nhất tề xông trận cho lý tưởng độc lập, thống nhất của dân tộc. Trong đó có cựu chiến binh Đinh Công Nhắn (76 tuổi, ở thôn Báu, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng).
Theo chân cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Thắng, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Công Nhắn, thôn Báu, xã Thái Niên, đúng lúc vợ chồng ông đang tỉ mỉ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và vườn bưởi sai trĩu quả xung quanh nhà. Nhìn ông với dáng vẻ gầy gò nhưng vẫn toát lên khí chất của người lính năm xưa, với sự lạc quan, yêu đời.
Với người cựu chiến binh Đinh Công Nhắn, những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do của đất nước luôn là những ký ức không thể phai mờ |
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Nhắn vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Biết được ý định của chúng tôi, ông trang trọng thay bộ quần áo lính năm xưa với những huân, huy chương về thành tích mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ treo đầy bằng khen với huân, huy chương và các kỷ vật kháng chiến, người cựu chiến binh già không nén nổi sự bồi hồi, xúc động khi nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thái Niên, năm 1966, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới 17 tuổi, chàng trai Đinh Công Nhắn cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, đem sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng.
Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào sư đoàn 304, đóng quân ở Bắc Thái, Thái Nguyên. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được bổ sung vào sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ chiến đấu.
Với ông Nhắn, những năm tháng sục sôi lửa đạn cống hiến tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc luôn là những ký ức không thể phai mờ. Nhắc đến những ngày tháng ở chiến trường miền Nam, giọng người lính năm xưa đầy xúc động, ông kể: Trong quá trình chiến đấu tại chiến trường miền Nam, trận đánh sóc Bom Bo ông bị thương, bởi trúng 1 viên đạn vào đùi trong lúc đang tham gia chiến đấu, ông được đưa vào bệnh viện K 90 Miền Nam điều trị. Sau khi hồi phục sức khoẻ, ông được bổ sung vào trung đoàn 201 thuộc Bộ Tư lệnh quân khu 7 miền Đông Nam Bộ và đã cùng với đồng chí, đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt.
Bồi hồi nhớ lại ông cho biết, vào khoảng tháng 9 năm 1970, ông cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ được giao nhiệm vụ chống cuộc càn Gian-xơn Xi-ti. Đây là một chiến dịch kéo dài 82 ngày của Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C, tức vùng Lò Gò - Xa Mát ngày nay. Kết quả, ta đã đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti của Mỹ. Toàn bộ các mục tiêu mà quân địch đề ra đều không thực hiện được.
Tiếp đó vào khoảng tháng 8 năm 1972, ông tiếp tục cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 5 và các đơn vị khác tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ và đã bẻ gãy cuộc càn "hòn đá vàng". Đây là cuộc chiến cam go, gian khổ nhất, hy sinh mất mát nhiều nhất, nhưng với tinh thần chiến đấu không sợ hy sinh, tất cả vì độc lập, tự do, hoà bình của đất nước. Tham gia trận chiến này, ông chứng kiến nhiều đồng đội của mình anh dũng nằm xuống dưới bom đạn của kẻ thù, những chiến sĩ khác vẫn tiếp tục tiến lên với tinh thần, sĩ khí rất cao. Và chiến thắng rất đỗi vẻ vang lẫy lừng đi vào lịch sử, đã đập tan âm mưu của Mỹ nguỵ chế độ Sài Gòn.
Đến tháng 1/1973, ông tiếp tục nhận lệnh cùng đồng đội hành quân tiến sang nước bạn Campuchia. Sau 1 năm chiến đấu bên nước bạn và hoàn thành chiến dịch, ông lại trở về Việt Nam để củng cố lực lượng, tiếp tục công tác và chiến đấu. Ông từng tham gia nhiều trận đánh, trong đó ông được chứng kiến 2 chiến công lừng lẫy của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hồi ức về những ngày tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cựu chiến binh Đinh Công Nhắn đầy xúc động kể: Ngày 26/4/1975, khi nhận lệnh mở chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đồng đội tiếp tục nhận lệnh hành quân tiến vào cứ địa Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để chiến đấu phá toàn bộ đồn bốt của kẻ thù. Mở cửa để tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Những ngày đó, địch liên tục ném bom đánh phá, cản đường, cắt dây truyền tin, rất nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, người trước ngã xuống người sau lại tiếp tục xông lên làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để ông cũng như anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách, để đến chiến thắng cuối cùng.
Đến ngày 28/4/1975, Trảng Bàng được giải phóng và đơn vị của ông tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh thẳng đến nội đô Sài Gòn, đánh vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ Nguỵ. Đến 11h30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Mặc dù không phải là những người lính đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông và đồng đội như vỡ òa trong hạnh phúc.
Không thể kể hết những gian khổ mà ông cùng đồng đội đã trải qua, bởi nơi đây là vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học. Những cơn sốt rét rừng, những ngày thiếu ăn, thiếu ngủ hành hạ khiến ai nấy đều xanh xao, nhưng nhiệt huyết của những người chiến sĩ cách mạng quả cảm chưa bao giờ bị lay động.
Đến tháng 8/1978 ông lại tiếp tục nhận lệnh sang giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt bọn Pôn Pốt - Iêng Xari. Sau 6 tháng trên chiến trường K (Campuchia) ông đã cùng đơn vị và quân giải phóng Campuchia đánh thắng bọn diệt chủng. Và đến 7/2/1979, đất nước Campuchia hoàn toàn được giải phóng, ông lại cùng đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ về biên giới Campuchia giáp Thái Lan để giúp nước bạn củng cố lực lượng, giúp nhân dân Campuchia hàn gắn vết thương chiến tranh. Sau gần 10 năm làm nhiệm vụ bên nước bạn, đến năm 1989 đơn vị được lệnh của Bộ Quốc phòng Việt Nam rút về nước học tập và công tác.
Đến năm 1979 do không đảm bảo sức khoẻ tham gia công tác và chiến đấu, ông đã được đơn vị giải quyết cho về phục viên. Rời quân ngũ trở về địa phương, gác lại ký ức của một thời bom đạn, cựu chiến binh Đinh Công Nhắn vẫn luôn phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Hiện ông đang là chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Báu, xã Thái Niên, đồng thời nhận tham gia trực cảnh giới đường ngang giao cắt qua đường sắt địa điểm km 272+400, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho mọi người qua lại. Đoạn đường cảnh giới là trục đường giao thông liên xã, mật độ người qua lại mua hàng hoá vào giờ cao điểm rất đông, do đó ông luôn có mặt tại chòi gác vào các giờ cao điểm có tàu chạy qua để nhắc nhở nhân dân qua lại. Do vậy, từ năm 2019 đến nay điểm cảnh giới không xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông.
Trong phát triển kinh tế, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Nhắn đã tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua các phương tiện thông tin đại chúng và các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Với phương châm lấy ngắn, nuôi dài, thực hành tiết kiệm, kiên trì học hỏi và mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hiện nay, gia đình ông trồng hơn chục gốc bưởi Múc, 4 sào đậu đỗ, vài sào dưa lê và một số cây ăn quả khác. Qua đó, mang lại thu nhập cho gia đình gần 50 triệu đồng/năm đã trừ chi phí.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Đinh Công Nhắn luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình |
Khi nhắc đến ông Nhắn, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng đều bày tỏ sự kính trọng, mến mộ một người cựu chiến binh đầy nhiệt huyết, đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng miền Nam và phục vụ trong quân đội.
Có thể nói, với những người lính đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến những mất mát, hy sinh của đồng đội, họ càng cảm nhận giá trị của những năm tháng hoà bình. Để rồi, trong thời chiến cũng như thời bình, khi rời quân ngũ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng.
Với những đóng góp của mình trong trong thời chiến cũng như thời bình, cựu chiến binh Đinh Công Nhắn đã được tặng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.