Các đại diện thương mại Việt Nam, Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Peru thảo luận hợp tác xúc tiến thương mại - đầu tư với Mexico. Ảnh: Việt Hùng, Phân xã TTXVN tại Mexico |
Tham dự cuộc họp có 10 Tham tán Thương mại và Tùy viên Thương mại, thuộc 6 quốc gia thành viên TPP tại Mexico, bao gồm: Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Peru và Việt Nam. Ý tưởng thành lập nhóm Đại diện thương mại của các thành viên TPP tại Mexico, do đại diện thương mại Việt Nam tại Mexico đề xuất.
Trình bày tại cuộc họp, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, chủ trì cuộc họp chào mừng đại diện thương mại của 6 quốc gia thuộc thành viên TPP tại Mexico đã tham dự phiên họp này. Đại diện thương mại Việt Nam tại Mexico nêu mục đích việc thành lập nhóm Đại diện thương mại của thành viên TPP tại Mexico, nhằm phối hợp giữa các đại diện thương mại, để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các thành viên TPP tại Mexico với nước sở tại.
10 quốc gia thành viên TPP đã có sự hiện diện tại Mexico, bao gồm: Úc, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong 11 nước thành viên TPP, Brunei không mở cơ quan đại diện tại Mexico; Singapore chưa thành lập cơ quan đại diện, nhưng có trung tâm xúc tiến thương mại tại Mexico.
Đại diện thương mại Việt Nam tại Mexico cho biết, mặc dù từng nước đều có những chương trình thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương với Mexico, nhưng nếu kết hợp tổ chức những buổi hội thảo chung giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư tại Mexico, sẽ thu hút đông đảo doanh nghiệp nước sở tại đến tham dự.
Với mục đích trên, Đại diện thương mại Việt Nam đã trình bày nội dung hoạt động của nhóm Đại diện thương mại các nước TPP tại Mexico, bao gồm: tổ chức chung các buổi hội thảo, hoặc diễn đàn doanh nghiệp giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư tại Mexico giữa 10 nước thành viên TPP với Mexico; tiếp xúc với các cơ quan ban ngành, hiệp hội, phòng thương mại của nước sở tại, về các vấn đề liên quan đến TPP nói riêng, các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư khác nói chung; chia sẻ những thông tin kinh tế - thương mại của nước sở tại, giữa các thành viên trong nhóm. Đại diện thương mại Việt Nam cũng trình bày 2 chương trình dự kiến tổ chức hội thảo giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư của 10 nước thành viên, tại thủ đô Mexico và bang Baja California Mexico trong năm nay.
Tham tán Thương mại Hoàng Tuấn Việt, chủ trì cuộc họp. Ảnh: Việt Hùng, Phân xã TTXVN tại Mexico |
Trao đổi tại buổi họp, bà Soledad Elena Campos Mendoza de Parry, Tham tán Thương mại - Giám đốc Văn phòng thương vụ Peru tại Mexico (PromPeru), nhất trí với nội dung do đại diện thương mại Việt Nam tại Mexico trình bày, đồng thời cho biết cần gắn kết các hoạt động của Liên minh Thái Bình Dương (LAB4), bao gồm Mexico, Chile, Peru và Comlombia với TPP. Trong đó Peru, Mexico và Chile đều tham gia hai khối này.
Ông Mohd Hafiz Abdul Jalil, Trưởng Văn phòng thương mại của Malaysia (Matrade), đồng ý tham gia nhóm, để chia sẻ các thông tin và cùng làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp của Mexico trong việc quảng bá và xúc tiến thương mại. Đại diện thương mại Malaysia tại Mexico đề nghị văn phòng thương vụ của các nước cần dự trù kinh phí cho các hoạt động của nhóm trong các năm tiếp theo.
Bà Sagra M. Clorio Jessel - Trưởng phòng xúc tiến thương mại, thuộc Hội đồng thương mại và đầu Úc tại Mexico (Austrade), ông Nadin Nanji - Bí thư thứ nhất phụ trách thương mại, Đại sứ quán Canada tại Mexico, ông Jun Morikawa - Bí thư thứ nhất phụ trách thương mại, Đại sứ quán Nhật Bản tại Mexico, nhất trí tham gia nhóm Đại diện thương mại TPP tại Mexico, để cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư và chia sẻ thông tin. Đại diện các thành viên này sẽ báo cáo với lãnh đạo cơ quan đại diện về các chương trình của nhóm.
Ông Francisco Jose Rios, Giám đốc Trung tâm thương mại Singapore, mặc dù không tham dự họp, nhưng đã gửi email thông báo nhất trí tham gia nhóm này và đồng ý tham dự các buổi hội thảo xúc tiến thương mại - đầu tư, do nhóm tổ chức tại Mexico.
Năm 2017, một số nước có sự thay đổi về nhân sự trong chính phủ (Úc, Peru), do đó các đại diện thương mại sẽ báo cáo chương trình này về cơ quan chủ quản, để có sự chỉ đạo tiếp theo. Các đại diện thương mại nhất trí họp phiên tiếp theo, do đại diện thương mại Úc đăng cai vào tháng 8/2016.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Ngân hàng Trung ương Mexico, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Mexico với 11 nước TPP năm 2015 là 557,65 tỷ USD, chiếm 71,87% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này (775,86 tỷ USD). Mexico xuất khẩu vào 11 nước TPP 327,94 tỷ USD, chiếm 86,16% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu từ 11 nước TPP 229,71 tỷ USD, chiếm 58,12% trên tổng kim ngạch nhập khẩu. Mexico xuất siêu vào 11 nước TPP là 98,23 tỷ USD.
Trong 11 thành viên của TPP, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng nhất của Mexico, với tổng kim ngạch hai chiều là 495,69 tỷ USD, chiếm thị phần 63,89% trên tổng kim ngạch XNK của Mexico, Mexico xuất siêu vào Hoa Kỳ 122,01 tỷ USD; tiếp đến là Canada, với tổng kim ngạch hai chiều là 20,49 tỷ USD, chiếm thị phần 2,64% trên tổng kim ngạch XNK của Mexico, Mexico xuất siêu vào Canada 596 triệu USD. Nhật bản xếp thứ ba, với tổng kim ngạch hai chiều là 20,39 tỷ USD, chiếm thị phần 2,63% trên tổng kim ngạch XNK của Mexico, Mexico nhập siêu từ Nhật Bản (-) 14,35 tỷ triệu USD. Malaysia xếp thứ tư, với tổng kim ngạch hai chiều là 7,59 tỷ USD, chiếm thị phần 0,98% trên tổng kim ngạch XNK của Mexico, Mexico nhập siêu từ Malaysia (-) 7,34 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thứ năm của Mexico trong 11 thành viên TPP, với tổng kim ngạch XNK hai chiều là 3,86 tỷ USD, chiếm thị phần 0,50% trên tổng kim ngạch XNK của Mexico. Mexico nhập siêu từ Việt Nam (-) 3,52 tỷ USD. Brunei là nước xếp thứ 11 trong quan hệ thương mại với Mexico, với tổng kim ngạch hai chiều không đáng kể là 1,8 triệu USD (số liệu thống kê của Bộ Kinh tế Mexico năm 2015).
Về lộ trình giảm thuế TPP, Mexico cam kết đối với Việt Nam, giảm ngay 77,2% số dòng thuế khi hiệp định có hiệu lực, chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico (tính theo năm cơ sở 2010). Vào năm thứ 10, sau khi hiệp định có hiệu lực, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
12 thành viên của TPP với số dân 800 triệu người, chiếm gần 40% GDP toàn cầu, và 30% thương mại thế giới. Khi TPP có hiệu lực, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho tất cả các nước thành viên. Hiệp định này đã được 12 Bộ trưởng thương mại và tương đương, ký kết ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand và đang chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.