Trong đó, Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 với những nhiệm vụ, giải pháp được nhận định phù hợp với thực tiễn, đón đầu xu hướng phát triển cũng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh bớt một phần khó khăn.
Hưng Yên có khoảng 19.000 cơ sở sản xuất TTCN, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều cơ sở đang lao đao. Đơn cử, xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) có trên 540 cơ sở làm nghề mộc, sản phẩm chủ yếu là chạm khắc tranh, tượng, cây, con giống, đồ gia dụng bằng gỗ. Thời điểm trước khi dịch bùng phát, hoạt động của các cơ sở trong xã diễn ra sôi động, sản phẩm tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng Hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong, mỗi năm đạt doanh thu 4 – 5 tỷ đồng nhưng hiện tại, tiêu thụ sản phẩm khó khăn khiến hợp tác xã cũng như nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương phải giảm công suất.
Các cơ sở chế biến hạt sen, long nhãn tại xã Hồng Nam, Tân Hưng, Phương Chiểu, Quảng Châu thuộc thành phố Hưng Yên cũng trong tình cảnh tương tự. Theo chủ một cơ sở chế biến hạt sen tại xã Hồng Nam, trước khi xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất tiêu thụ được khoảng 30-40 tấn hạt sen khô thành phẩm nhưng đến nay mỗi tháng chỉ tiêu thụ được 5 – 6 tấn, trong khi đó giá bán giảm khiến doanh thu, lợi nhuận giảm.
Tỉnh Hưng Yên đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp gỡ khó và nâng cao sức chống chịu trước biến động thị trường cho doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp |
Sản xuất và kinh doanh ảm đạm là hiện trạng chung của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ngay từ khi dịch bắt đầu có tác động xấu, các cấp chính quyền tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như thực hiện tốt công tác dự báo và thông tin thị trường; thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm…Các hoạt động này đã giúp gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN.
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh hồi phục sản xuất, quan trọng hơn là nâng cao độ chống chịu trước tác động của thị trường, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp, TTCN tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
Theo đó, các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại các làng nghề, ngành nghề TTCN trên địa bàn tỉnh, nhất là các làng nghề đã được công nhận; hỗ trợ nhân cấy nghề phát triển ngành nghề có lợi thế, có thị trường; gắn phát triển TTCN, làng nghề với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.
Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết giữa làng nghề, các cơ sở sản xuất TTCN với doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp được liên kết trở thành hạt nhân, tạo sự phát triển ổn định cho làng nghề.
Khuyến khích các địa phương có ngành nghề TTCN, làng nghề phát triển nghiên cứu, đề xuất quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có tiềm năng phát triển có mặt bằng sản xuất phù hợp nhằm giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề TTCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Thông qua chương trình, Hưng Yên cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng hoạt động xuất khẩu; đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại trực tuyến; khuyến khích, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh, tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất, mở rộng thị trường. Phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành tìm kiếm thông tin thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế để trợ giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường tiềm năng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Mở rộng hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, TTCN, bố trí thoả đáng ngân sách để triển khai chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025, tranh thủ tối đa kinh phí khuyến công quốc gia nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trong điều kiện mới.
Về kinh phí, bên cạnh ngân sách nhà nước, tỉnh Hưng Yên sẽ vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức trong và ngoài nước; nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện chương trình.