Huy động 600 triệu kWh từ các nguồn điện chạy dầu
- Điện thương phẩm tháng 8/2011 ước đạt 8,478 tỷ kWh, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm điện thương phẩm ước đạt 61,723 tỷ kWh, tăng 11,14% so với cùng kỳ năm 2010.
Hiện ngành điện đang gặp khó khăn rất lớn là lưu lượng nước về các hồ thủy điện phía Bắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 và giá trị trung bình nhiều năm. Trong mùa lũ chính vụ (từ tháng 6 đến tháng 8) của năm 2011 đã không xuất hiện các cơn lũ lớn trên lưu vực sông Đà, sông Chảy và sông Lô- Gâm. Hiện nay, lưu lượng nước về trên sông Đà tại thủy điện Sơn La chỉ đạt trung bình 1.500 m3/s, trên sông Chảy tại thuỷ điện Thác Bà chỉ đạt 200 m3/s.
Mức nước tại hồ thủy điện Sơn La hiện thấp hơn mức nước dâng bình thường khoảng 13m, hồ thủy điện Hoà Bình thấp hơn khoảng 15m, hồ thủy điện Tuyên Quang thấp hơn 19m. Vì vậy, các hồ thủy điện phía Bắc rất khó tích nước đến mức nước dâng bình thường vào 31/12/2011. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát điện mùa khô 2012 và cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2011- 2012.
Riêng các hồ thủy điện miền Trung và miền Nam lưu lượng nước về bằng hoặc cao hơn giá trị trung bình nhiều năm, tạo điều kiện khai thác các nhà máy thủy điện thuận lợi theo lưu lượng nước về.
Tuy nhiên, trong tháng 9 và tháng 10/2011, hệ thống khí Nam Côn Sơn và PM3 sẽ ngừng cấp để sửa chữa, bảo dưỡng theo kế hoạch. Khi đó, sẽ có khoảng 5.300MW công suất các tổ máy nhiệt điện thuộc các Nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch không được cung cấp khí và khoảng 1.500MW công suất các tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau không được cung cấp khí trong thời gian ngừng khí PM3, tác động lớn đến công tác vận hành và cung ứng điện cho khu vực phía Nam.
Dự kiến, tháng 9/2011, phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 314 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 16.000-16.300 MW.
Để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí trong tháng 9 và tháng 10/2011, EVN đang chỉ đạo các nhà máy thủy điện khai thác đảm bảo kế hoạch tích nước cuối năm: Huy động tối đa thủy điện và huy động các nguồn chạy dầu; tiếp tục huy động cao nhiệt điện than, tua bin khí; tăng mua điện Trung Quốc; đẩy mạnh truyền tải điện vào Nam qua đường dây 500 kV để tập trung tích nước các hồ thủy điện miền Nam (Trị An, Hàm Thuận, Đa Nhim, Đại Ninh, Thác Mơ) lên mức cao nhất; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than trên cơ sở vận hành ổn định các nguồn nhiệt điện than mới; đôn đốc các nhà máy đảm bảo các tổ máy khả dụng dầu để đáp ứng nguồn trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí.
Dự kiến, công suất các tổ máy phải chạy dầu trong thời gian ngừng cấp khí Nam Côn Sơn là trên 3.000MW, với sản lượng dự kiến trên 600 triệu kWh; điều chỉnh kế hoạch sửa chữa của một số tổ máy của Thủ Đức, Đa Nhim, Uông Bí mở rộng 1, Phú Mỹ để đảm bảo nguồn trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí.
EVN cũng yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia khẩn trương thay thế máy biến áp 500 kV tại trạm Ô Môn để đáp ứng cung cấp điện trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí. Tăng cường lực lượng đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, ứng phó nhanh các tình huống sự cố các đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV ĐăkNông - Phú Lâm và Plêiku - Di Linh, tăng cường giám sát chặt chẽ MBA 500kV Phú Lâm, Tân Định....
Các tổng công ty, công ty điện lực trong hệ thống điện miền Nam chuẩn bị sẵn sàng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều độ và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Công ty truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện đồng thời tuân thủ các quy định về ngừng giảm cung cấp điện trong trường hợp hệ thống điện miền Nam xảy ra sự cố.
Đặc biệt, các đơn vị tăng cường các hoạt động tiết kiệm điện, vận động các doanh nghiệp chia sẻ, giãn tiến độ sản xuất trong thời gian ngừng, giảm cung cấp khí Nam Côn Sơn và khí PM3.
Ngọc Loan