Trong hơn 30 năm đổi mới, nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nền kinh tế nước ta có bước phát triển mạnh mẽ. Nước ta từ một nước nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các vật dụng sinh hoạt cần thiết đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, sản xuất cung cấp đủ cho mọi nhu cầu ở trong nước và còn dư thừa để xuất khẩu ra thế giới với số lượng mỗi năm một tăng. Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt các thành tựu to lớn của nền kinh tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức to lớn như tốc độ tăng trưởng chậm lại, môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, bất bình đẳng gia tăng, năng suất lao động giảm… Nhìn toàn cục, Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế chậm phát triển so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Các nguồn lực cho phát triển kinh tế có thể được chia thành các nhóm cơ bản như: Nguồn lực lao động, nguồn lực đất đai và tài nguyên, nguồn lực khoa học- công nghệ và nguồn lực phi vật thể. Để huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước đang là vấn đề đặt ra và là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với quốc gia, ở mọi thời đại. Đây cũng là vấn đề cấp bách với nước ta hiện nay để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Trong khi đó, theo PGS. TS Đoàn Minh Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Nguồn lực là các yếu tố đã có trong tự nhiên và trong xã hội, ở trong trạng thái sẵn sàng có thể sử dụng. Tuy nhiên, việc có huy động được các nguồn lực đó vào hoạt động hay không, huy động được đến mức nào và đặc biệt là hiệu quả sử dụng các nguồn lực đó thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ khan hiếm của mỗi nguồn lực; khác nhau giữa nguồn lực có tầm quan trọng chiến lược và không có tầm quan trọng chiến lược, giữa nguồn lực có khả năng tái tạo và không có khả năng tái tạo, giữa nguồn lực có số lượng lớn, mức độ khan hiếm thấp và số lượng nhỏ, khan hiếm… Hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới, việc huy động và sử dụng nguồn lực đều được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, có thể hiểu, nguồn nhân lực của một nền kinh tế là tổng hợp các yếu tố vật thể và phi vật thể tạo nên nền kinh tế của một đất nước và thúc đẩy nó phát triển. Các nguồn lực có thể chia thành các nhóm cơ bản: Nguồn lực con người mà trung tâm là nguồn lực lao động; nguồn lực đất đai và tài nguyên; nguồn lực tài sản, tài chính; nguồn lực khoa học - công nghệ. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến tham luận đi sâu làm rõ các vấn đề, như: Phân bổ nguồn lực Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước; những yếu tố ảnh hưởng tới huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước - những vấn đề đặt ra hiện nay…
Hội thảo đã thống nhất một số định hướng, chủ trương, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đất nước hiện nay, như: Nhà nước cần làm tốt hơn việc khảo sát đánh giá đúng tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế của tài nguyên quốc gia; giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vốn và tài sản Nhà nước và xã hội; phát huy vai trò khoa học - công nghệ, nhân tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, những nguồn lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển đất nước trong thời đại ngày nay…