Tỉnh Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tìm đầu ra cho nông sản Số hóa toàn diện tạo đột phá cho tương lai |
Các mặt hàng nông sản của Cao Lộc đều đã có mặt và được mua bán sôi động trên các sàn thương mại điện tử, giúp ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc, đời sống nông dân được nâng cao là một trong những minh chứng rõ nét về hiệu quả thực tế của chuyển đổi số tại địa phương này.
Hiệu quả nhờ chuyển đổi số
Là cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn, với trên 74 km đường biên giới với Trung Quốc..., Cao Lộc mang trong mình lợi thế lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, nông nghiệp… Để phát huy lợi thế đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Cao Lộc đã nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt các chính sách, các giải pháp, đặc biệt là về chuyển đổi số nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho địa phương hội nhập vào nền kinh tế số.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Nguyễn Duy Anh - Phó Bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cao Lộc - cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện; triển khai và xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số. Kịp thời triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan cấp trên đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, các lĩnh vực của chuyển đổi số tại Cao Lộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, điểm sáng nổi bật trên bức tranh toàn cảnh chuyển đổi số phải kể đến việc phát triển kinh tế số. Theo ông Nguyễn Duy Anh, huyện đã đẩy mạnh phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho hộ gia đình. Ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch tập huấn phát triển Kinh tế số cho 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Đến hết năm 2022 đã hoàn thành triển khai tập huấn được 11 lớp. Toàn huyện đã có 12.922 cửa hàng số, tương ứng với 12.922 số tài khoản thanh toán điện tử, chiếm 70,52% số hộ dân. 100% hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản thanh toán điện tử.
Ngoài ra,154/154 thôn, khối phố đều có lực lượng nòng cốt, tổ công nghệ số cộng đồng với 157 tổ/685 người hỗ trợ, hướng dẫn người dân khi có yêu cầu.
Đoàn thanh niên huyện chung tay chuyển đổi số |
Đến hết quý I/2023, tại Cao Lộc, tổng số tài khoản các ứng dụng (app) đã cài đặt đạt 47.793 tài khoản, đạt 113,04% kế hoạch. Trong đó: Tài khoản Công dân số Xứ Lạng 13.129 tài khoản; tài khoản thanh toán điện tử 11.108 tài khoản; tài khoản mua sàn TMĐT 24.287 tài khoản (PostMart 12.582 tài khoản, đạt 177,65%; Voso 11.705 tài khoản, đạt 165,26%). Điều này đã tạo thuận lợi cho Cao Lộc đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện “lên sàn”.
“12 mặt hàng đặc sản (chanh rừng, mật ong, thịt hun khói, các loại rau, hồng bảo lâm, mận, cao khô, hạt dẻ, nấm hương khô, hoa chuối rừng, cây giống keo, hồi; gạo nếp nương) và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của huyện do nhân dân sản xuất theo mùa vụ đã được mua bán theo hình thức online. Số hóa đã giúp Cao Lộc quảng bá giới thiệu được nông sản địa phương một cách rộng rãi, từ đó gia tăng sản lượng tiêu thụ và thu nhập cho bà con nông dân” – đại diện huyện đánh giá.
Sản phẩm hồng không hạt xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc |
Về việc phát triển xã hội số, hiện nay, cơ sở hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn huyện đã kết nối thông suốt đến các xã, thị trấn. Mạng di động 2G, 3G, 4G phủ sóng 100%. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được triển khai rộng khắp; 22/22 xã, thị trấn có tuyến truyền dẫn cáp quang và mạng Internet băng rộng.
Đồng hành, sẻ chia cùng người dân, doanh nghiệp
UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp với viễn thông Lạng Sơn triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT- iOffice cho các đơn vị trường học. Đến nay 100% các trường học trên địa bàn huyện đều có tài khoản sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice để nhận và triển khai các văn bản cấp trên gửi đến. 100% các đơn vị nhà trường đã triển khai và sử dụng phần mềm quản lý nhà trường gồm sổ đăng bộ, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc, học bạ trên hệ thống Smas của Viettel; 100% đơn vị nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên triển khai thực hiện ký số hồ sơ trên hệ thống phần mềm quản lý nhà trường.
Với phương châm xây dựng chính quyền đồng hành, sẻ chia cùng người dân, doanh nghiệp, Cao Lộc đã tập trung xây dựng chính quyền số nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho nhân dân. Theo đó, huyện đang đẩy mạnh sử dụng ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính; đồng thời giúp hoạt động giao dịch điện tử cũng được nâng tầm, không mất thời gian đi lại, chờ đợi và không phải in ấn các hồ sơ...
Về cải cách thủ tục hành chính, UBND huyện đã xây dựng 2 thư mục “Bộ thủ tục hành chính huyện Cao Lộc”, “Bộ thủ tục hành chính các xã, thị trấn” điện tử nhằm công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của huyện. Đồng thời, lắp đặt màn hình cảm ứng và máy tính phục vụ cho việc tra cứu, tìm hiểu thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã cập nhật và công khai toàn bộ thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, đăng tải kịp thời lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (//www.langson.gov.vn/) theo quy định. Hiện, Cao Lộc có 371 thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 2,3,4 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 66 thủ tục hành chính mức độ 3; 193 thủ tục hành chính mức độ 4. Nhờ đó, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính tại địa phương ngày càng được cải thiện, đổi mới, đảm bảo tính dân chủ, đúng luật, đúng quy trình, nhanh chóng, hiệu quả.
Với tinh thần khẩn trương, hành động rốt ráo ấy, chỉ trong vài năm qua, công tác chuyển đổi số ở Cao Lộc đã có những biến chuyển tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa toàn diện đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương. Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp của Cao Lộc thực hiện 1.274.300 triệu đồng, đạt 113,34% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 18,45%, tăng 6,77% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 3.940.352 triệu đồng, đạt 108,88% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 57,06%, tăng 19,53% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định với giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 1.691.248 triệu đồng, đạt 105,28% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 24,49%, tăng 13,86% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn trong năm 2022 thực hiện được 541,7 triệu USD...