Đấu giá cổ phần Vissan |
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), ngay sau khi CTCP Tập đoàn Tín Nghĩa (Đồng Nai) công bố chào bán gần 15 triệu cổ phần trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 1/4 vừa qua đã có 28 nhà đầu tư (NĐT) đăng ký mua. Số lượng cổ phần các NĐT đăng ký mua cổ phần Tín Nghĩa lên tới trên 30,26 triệu cổ phần, gấp hơn 2 lần lượng cổ phần mà DN này chào bán. Trong đó riêng 4 NĐT nước ngoài đã đăng ký mua hết toàn bộ 100% lượng cổ phần mà Tín Nghĩa dự định sẽ bung ra.
Nếu nhìn vào tình hình kinh doanh của Tập đoàn Tín Nghĩa đến thời điểm trước IPO cho thấy, hiện nay mặc dù được biết đến là tập đoàn kinh doanh bất động sản và đầu tư khu công nghiệp thuộc loại lớn nhất ở tỉnh Đồng Nai (với 11 công ty con, 10 công ty liên kết và doanh thu hàng năm lên tới 10.000 tỷ đồng) nhưng mảng đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Tín Nghĩa lại là kinh doanh - xuất khẩu nông sản (chủ yếu là cà phê). Cụ thể trong các năm gần đây, các khoản lợi nhuận thu được từ xuất khẩu cà phê của Tín Nghĩa luôn chiếm khoảng 50- 55% tổng lợi nhuận của tập đoàn. DN này cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để trồng 700 ha cà phê tại Lào và phát triển hệ thống các dự án kho, xưởng chế biến cà phê hòa tan khối lượng lớn tại Lâm Đồng.
Sau khi IPO, DN sẽ tiến hành sắp xếp lại các công ty con cùng loại hình, ngưng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực kém hiệu quả như dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực đang có thế mạnh như cung cấp dịch vụ kho ngoại quan, kho nội quan, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm cà phê xuất khẩu… Như vậy, rõ ràng, nếu IPO thành công trong đợt đầu vào tháng 4/2016, khoản vốn trên 177 tỷ đồng mà Tín Nghĩa thu về nhiều khả năng sẽ được chi dùng để đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất - chế biến - xuất khẩu cà phê. Bởi tập đoàn này hiện đang lên kế hoạch mở rộng vùng cà phê tại Lào lên 3.000 ha trong năm 2016, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến cà phê ngay tại quốc gia này.
Gần đây là trường hợp Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) với tổng số tiền trúng thầu trên 900 tỷ đồng, số lượng cổ phần đặt mua cao gần 6 lần số lượng cổ phần chào bán; giá đặt mua cao gần 5 lần giá khởi điểm. Vissan ngay sau khi chào bán cổ phần đợt đầu đã thu về trên 900 tỷ đồng từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn CJ (một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc) đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm tại Việt Nam.
Vissan chắc chắn sẽ tận dụng các nguồn vốn thu về từ IPO để đầu tư mạnh mẽ hơn vào các dự án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “từ trang trại tới bàn ăn” mà DN này đang hướng tới với mục tiêu 100% sản phẩm thịt heo của tập đoàn được đưa ra thị trường là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HOSE, cho rằng qua kết quả IPO, Vissan đã trở thành một hiện tượng của thị trường chứng khoán khi giá đấu thành công cao hơn nhiều lần mức khởi điểm bởi DN làm ăn hiệu quả, phát triển theo hướng bền vững. Triển vọng đầu tư rất tốt. là lý do khiến các nhà đầu tư sẵn sàng mua với giá cao.
Với những gì đang diễn ra trong hoạt động IPO thời gian qua có thể thấy đầu tư vào cổ phiếu nông nghiệp tuy không rầm rộ như đầu tư cổ phiếu bất động sản, chứng khoán hay ngân hàng nhưng đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng bởi đây là hoạt động đầu tư vào ngành kinh tế cơ bản và có tiềm năng phát triển lâu dài. Việc những doanh nghiệp như Tín Nghĩa, Vissan… thu hút mạnh sự chú ý của khối NĐT cả trong và ngoài nước khi tiến hành IPO cũng cho thấy việc hút dòng vốn đầu tư vào các ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm thông qua các hoạt động cổ phần hóa có rất nhiều hứa hẹn.