Kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu
Công Thương và công luận 18/04/2022 11:41
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ
Ba tháng đầu năm nay đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm hàng thủy sản đã bứt phá mạnh mẽ, ước tính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tương tự, mặt hàng cà phê đã có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, khi tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch xuất khẩu do giá xuất khẩu cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 11,5% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng nên tăng 40,8% về kim ngạch xuất khẩu; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch xuất khẩu...
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát |
Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đều tăng trưởng cao hơn so với quý I-2021, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I-2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2022 ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Đáng chú ý, trong đó, khu vực DN trong nước tăng cao (tăng 22%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Trong quý I có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I-2021.
Điểm lại những điểm cần chú ý trong bức tranh xuất nhập khẩu quý I, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của nước ta phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng. Tình hình tiêu thụ nhóm nông, lâm, thủy sản hiện rất thuận lợi, do nhu cầu nhóm hàng nông sản trên thế giới hiện nay đang rất cao. Nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu quý I, nhiều ý kiến cũng cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang các thị trường trọng điểm tăng mạnh trong bối cảnh sản xuất, thương mại tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao... cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 15% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 9,2%; EU đạt 16,3%; ASEAN đạt 19,9%; Hàn Quốc đạt 21%; Nhật Bản đạt 10,6%...
Chi phí logistics thách thức hoạt động xuất khẩu
Thời gian tới, hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các cam kết về thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia được thực thi một cách đầy đủ hơn. Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN, đặc biệt là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị và giá dầu thế giới tăng, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng càng làm cho chi phí xuất nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Theo ông Trần Thanh Hải, hai năm qua, tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, tăng 4-6 lần, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Cho rằng chi phí logistcis đang là một trong những thách thức lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động của các DN xuất nhập khẩu trong năm nay, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... chiếm tỷ lệ khá lớn nên giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 16,8% GDP. Ông Nguyễn Tương cũng cho rằng, trong khi cước vận tải biển và chi phí thuê container đang “phi mã” thì việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP Hồ Chí Minh (gọi chung là phí hạ tầng cảng biển) từ ngày 1-4-2022 lại càng khiến DN thêm khốn khó.
Logistics là mạch máu của nền kinh tế, quyết định đến tính cạnh tranh của từng quốc gia, từng DN. Một ngành logistics vững mạnh là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, đối với vận tải quốc tế, việc lệ thuộc lớn vào nước ngoài trong vấn đề vận tải biển đã diễn ra nhiều năm và đến nay đang gây nhiều khó khăn cho DN xuất nhập khẩu Việt Nam. Vấn đề tăng giá cước vận tải đi theo nền kinh tế thị trường, do các DN quyết định dựa trên sự điều tiết của cung-cầu. Chính vì vậy, để tìm ra giải pháp căn cơ nhằm cắt giảm chi phí vận tải quốc tế trong tương lai, cần sự chỉ đạo, vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng trong việc phát triển các đội tàu container, bắt đầu từ các tuyến trong khu vực châu Á. Còn đối với chi phí vận tải nội địa, ông Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngoài việc cắt giảm chi phí hạ tầng cảng biển, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với DN đầu tư vào lĩnh vực logistics như kho bãi, cảng cạn, đầu tư nhân lực... Ngoài ra, bản thân các chủ hàng với các DN dịch vụ logistics cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để có những giải pháp tối ưu trong vấn đề kế hoạch, thông tin.
Có thể thấy, dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ngành dịch vụ logistics cũng cần có những thay đổi lớn để thích hợp trong giai đoạn mới. Trước những vấn đề này, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong kiến nghị Chính phủ tiếp tục hiện đại hóa quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics; cho phép DN gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan; tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng, như: Hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu... giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Còn theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), để kéo giảm chi phí cho DN, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho DN. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử dữ liệu giữa các DN, hải quan và cơ quan liên quan.