"Kéo" logistics tăng trưởng
Là DN cung cấp giải pháp công nghệ để tối ưu hóa hoạt động logistics, ông nhận định như thế nào về thị trường logistics của Việt Nam trong năm 2019?
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Đây là sự kế thừa ảnh hưởng của việc phát triển các sàn TMĐT như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… Trong những năm vừa qua, các sàn TMĐT này đã có mức tăng trưởng rất tốt, khoảng 30 - 40% về doanh thu; công nghệ cho logistics cũng nhận được sự tăng trưởng nhanh tương tự, khoảng 20 - 40%. Có điều này do logistics là phần tiếp theo của chuỗi cung ứng. Ban đầu, dựa trên thông tin của người mua hàng, người bán sẽ rà soát các đơn hàng trên mạng. Sau quá trình đặt hàng trên mạng, phần công nghệ về logistics là bước tiếp theo, khâu thanh toán cuối cùng.
Ông Phạm Nam Long - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam |
Để chuyển đổi số thành công, đòi hỏi có sự đồng bộ các "mắt xích", Abivin đã làm gì để các đối tác chấp nhận chuyển đổi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, thưa ông?
Hiện, Abivin đang tìm các DN có bộ máy nhân sự cỡ vừa đến cơ lớn để tối ưu các chi phí logistics cho họ. Những DN này có quy trình, quy chế rất đầy đủ, bộ máy nhân sự nhiều. Chính bộ máy nhân sự nhiều, khiến đâu đó có nhiều điểm thiếu hiệu quả, có người này đang làm việc, trong khi những người khác đợi người kia làm việc để nhận được kết quả. Vì đợi nhau, thời gian "chết" của DN rất dài. Chúng tôi đã giải quyết bài toán tối ưu hóa lộ trình, giúp người giao hàng giảm thời gian "chết", làm cho DN tăng hiệu quả, giảm chi phí.
Hiện nay, Abivin tự phát triển thuật toán "định tuyến đường đi", đã giải quyết ít nhất 20 điều kiện khác nhau. Năm nay, Abivin đang tăng trưởng thêm số lượng điều kiện, tiến dần đến 30 điều kiện khác nhau, giúp khách hàng chỉ cần ấn một nút, sau vài giây sẽ ra lộ trình cho hàng nghìn đơn giao hàng, với hàng trăm xe vận tải nhằm tiết kiệm thời gian đặt lộ trình, giúp nhà quản lý đạt hiệu quả cao trong quản lý.
Để thuyết phục được các DN tin tưởng vào sản phẩm dịch vụ của Abivin, trước hết, chất lượng sản phẩm dịch vụ phải tốt hơn các phần mềm nước ngoài và những phần mềm hiện tại trong nước, đồng thời sản xuất, cung cấp dịch vụ phầm mềm đó với chi phí cạnh tranh nhất trên thị trường. Hiện nay, tùy vào quy mô, khả năng, năng lực hiện tại của DN khi sử dụng hệ thống của chúng tôi, có thể tiết kiệm từ 10 - 40% chi phí logictics.
Ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian giao hàng |
Chi phí logistics ở Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới. Theo ông, làm cách nào giảm chi phí logistics để tăng năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế?
Việt Nam đi lên từ nước nghèo, cùng hệ thống đường bộ, đường thủy trải dài, dẫn đến chi phí logistics tăng cao. Tuy nhiên, có những đất nước lớn, dân số, diện tích tương đương Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng chi phí cho logistics lại khá thấp, đạt mức 7 - 10% GDP. Trong khi đó, Việt Nam đang ở mức 15 - 20% GDP và sẽ có cơ hội giảm chi phí logistics này xuống, nếu chúng ta quản lý và tối ưu hóa. Quản lý ở đây là đưa các chuỗi "mắt xích" vào trong cùng hệ thống để ít nhất người quản lý biết được ở đâu đang kém hiệu quả, sau đó, có công cụ để tối ưu, khi biết đoạn nào kém hiệu quả sẽ tự động bỏ phần đó. Đây chính là tương lai logistics sử dụng công nghệ thông tin.
Ông Phạm Nam Long - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam: Một trong những nguyên nhân tăng cao của chi phí logistics ở Việt Nam, đó là việc hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động logistics. |