Doanh nghiệp nông sản cần chủ động giải pháp xuất nhập khẩu với Trung Quốc Hiệp định EVFTA: “Chìa khóa” để hàng Việt vào Liên minh châu Âu |
Sáng 11/7, tại Hà Nội đã Diễn đàn "Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU", với sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp EU và 52 doanh nghiệp Việt Nam. Diễn đàn do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn "Kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU", với sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp EU và 52 doanh nghiệp Việt Nam |
Việt Nam và EU là các đối tác chiến lược quan trọng của nhau và dựa trên mối quan hệ chặt chẽ này, quan hệ giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ông Janusz Wojciechowski Cao ủy Nông nghiệp EU - khẳng định và cho biết, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. “Chuyến thăm của tôi, cùng với một đoàn doanh nghiệp gồm đại diện ngành nông sản của EU sẽ góp phần tận dụng lợi thế của các cơ hội thương mại mới và cho phép giới thiệu các tiêu chuẩn chất lượng cao và bền vững của sản xuất nông sản thực phẩm của EU vì lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khắt khe”, ông Janusz Wojciechowski chia sẻ.
Khẳng định quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi có Hiệp định EVFTA, ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020, sang năm 2021 con số này đạt 5,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD tăng 26% so với năm 2022. Hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản. Do đó, bên cạnh các mặt hàng nêu trên, ông Phùng Đức Tiến cho rằng, hai bên cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý….
Đồng thời, mong muốn thu hút các dự án FDI tập trung vào phát triển nông nghiệp tri thức; nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng, gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và logistics phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp 2 bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những giá trị mới, khai thác tốt nhất thị trường khu vực và toàn cầu. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ kết nối hợp tác để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chia sẻ, Việt Nam và EU còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021.
Với tỷ trọng như vậy cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hơn nữa các lợi thế từ mặt hàng nông sản nhiệt đới và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng và châu Âu nói chung.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Hiện Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều..., Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam cũng có nhu cầu lớn với các sản phẩm chất lượng cao từ EU như thịt, hoa quả, đồ uống, sữa tươi…
Hiệp định EVFTA đã trao cơ hội cho cả hai bên để đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác. “Các đơn vị phân phối, nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp của Việt Nam tham dự Diễn đàn hôm nay tận dụng tốt cơ hội này để gặp gỡ, trao đổi và tìm được đối tác tin cậy”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Ông Phạm Tấn Công cũng đề nghị các nhà đầu tư EU quan tâm đến một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, gắn với trục đường cao tốc phía Đông của Việt Nam, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu với Trung Quốc, dài gần 300km. Khu vực này toàn toàn phù hợp để đầu tư các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao để chuyển về châu Âu cũng như xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, rất mong phía EU sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả.
Tại Diễn đàn, hai bên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm và đồ uống, các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và các mối quan hệ đối tác có thể có giữa doanh nghiệp EU và các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á cũng như cùng nhau tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư mới.
Hiệp định EVFTA đã cho thấy vai trò to lớn trong việc giữ nền kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng, với GDP ở mức dương 2,58% - con số mà ít quốc gia trên thế giới giữ được. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỉ USD và nhập khẩu 16,89 tỉ USD, tương ứng với mức tăng 14,1% và 15,3% so với năm 2020. Cũng chỉ trong năm 2021, hơn 200.000 giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với tổng trị giá hơn 7,8 tỉ USD. |