CôngThương - Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình công tác năm 2013. Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2012, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng cộng13.688,6 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 1.829 tỷ đồng, các khoản giảm chi 2.000 tỷ đồng, các khoản nợ đọng tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 1.114 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 8.380 tỷ đồng.
Cần xem xét các kiến nghị của KTNN và xử lý nghiêm minh. Kết quả xử lý cần thông báo công khai cho toàn dân biết. Đó sẽ là một trong những “vũ khí” có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí, tham nhũng.
|
Từ năm 2006, khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, KTNN đã trực thuộc Quốc hội, chúng ta đã dần quen thuộc với các báo cáo của KTNN, đặc biệt là những kiến nghị xử lý tài chính của KTNN sau những lần kiểm toán. Năm 2006, kiểm toán tài chính tại một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cho năm 2005, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.100 tỷ đồng; năm 2007, kiểm toán năm 2006, KTNN kiến nghị xử lý hơn 8.100 tỷ đồng, và năm 2007 kiến nghị xử lý hơn 11.000 tỷ đồng...
Kết quả kiểm toán của KTNN đã công khai và cho thấy vi phạm trong chi tiêu tiền của NSNN và tiền vốn nhà nước là rất nghiêm trọng. Hơn nữa, số kiến nghị xử lý năm sau cao hơn năm trước chứng tỏ những vi phạm đó không những không được khắc phục mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
Song, KTNN chỉ là cơ quan chuyên môn, giúp việc cho Quốc hội. Do đó, KTNN chỉ có quyền kiến nghị trên cơ sở kết quả kiểm toán mà không có quyền xử lý.
Đã vậy, kiến nghị của KTNN không được các cơ quan hành pháp quan tâm. Dường như những kiến nghị của KTNN chỉ là những “tài liệu tham khảo” khi cần thiết.
Xử lý những kiến nghị của KTNN thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Song, trên thực tế, Quốc hội cũng khó có thể xử lý được. Bởi, có tới gần 75% số đại biểu Quốc hội- cơ quan lập pháp- lại đồng thời là công chức, quan chức của cơ quan hành pháp, “tác giả” của những sai phạm về tài chính mà KTNN kiến nghị xử lý. Sẽ không thể có đa số phiếu thuận của Quốc hội trong việc ban hành một nghị quyết xử lý theo kiến nghị của KTNN. Vì ai có thể đồng thuận ra nghị quyết xử lý chính mình?
Điều 3 Luật KTNN quy định: Hoạt động KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật...
Để thực hiện mục tiêu đó, KTNN được tổ chức thành một hệ thống khá chặt chẽ. Ngân sách nhà nước cũng chi không ít cho hoạt động và đào tạo cán bộ của KTNN. Vì vậy, sẽ là lãng phí nghiêm trọng nếu các báo cáo, kiến nghị của KTNN chỉ để cho có... thủ tục!